Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” 10//8/2018

Hiện cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam, 3 triệu người là nạn nhân, hàng trăm ngàn người đã mất, những nạn nhân còn sống đang mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo.
Di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt. Hàng vạn người bị tước đi quyền làm cha mẹ, hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra không lành lặn.  




Liệu cái này có được gọi là tội ác chiến tranh hay tội ác chống lại loài người không khi họ - những người thân của mình sống còn tệ hơn chết...thật dã man....Thấm thía 2 chữ HOÀ BÌNH....


Ngày 25/06/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 (Ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam) hàng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn hằn sâu. Kể từ ngày Mỹ bắt đầu phun rải chất da cam xuống lãnh thổ Việt Nam, đã 56 năm trôi qua, chất độc dioxin vẫn còn tồn lưu trong đất đai, trong máu, trong sữa mẹ, mỡ người, trong gan, trong mỡ động vật… Nhiều cánh rừng nguyên sinh, nhiều loại cây, động vật quý hiếm đã bị tuyệt chủng. Môi trường sống của muôn loài bị suy thoái. Cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Với tất cả những ai đã từng bị phơi nhiễm chất da cam, là nạn nhân của chất độc da cam. Tất cả họ đã phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp. Cùng với đó, nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục xảy ra cho những thế hệ con cháu. Đó chính là tội ác mà Mỹ đã gây ra ở Vệt Nam, trở thành nỗi đau không thể xoa dịu.
Chất độc da cam (tiếng Anh: Agent Orange - Tác nhân da cam) là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand, một phần của chiến tranh hóa học của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chất này được quân đội Mỹ và đồng minh sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để làm trụi cây cối, hoa màu nhằm làm lộ ra các con đường vận tải, các căn cứ quân sự của chúng ta, phá huỷ mùa màng, làm cho chúng ta không có lương thực dự trữ.
Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam (từ năm 1961 đến năm 1971), Mỹ đã sử dụng 44 triệu lít chất độc màu da cam (có khoảng 76 - 80 triệu lít chất diệt cỏ đã được rải ở miền Nam Việt Nam) khoảng 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam, trong đó chủ yếu là chất độc da cam có chứa 366 kg chất dioxin. Chất độc dioxin là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân hủy, tồn tại rất lâu trong môi trường, làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng, cây rừng bị hủy diệt. Chất độc dioxin không chỉ gieo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều thế hệ sau của người bị nhiễm.
Từ năm 1961, đế quốc Mỹ đã sử dụng các chất độc hóa học phun rải xuống nhiều vùng đồng bằng đất đai màu mỡ, vùng đông dân cư có nhiều ruộng lúa và cây ăn quả như các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Mỹ Tho... và nhiều khu vực rừng núi, các nương rẫy của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, phía tây các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà... với quy mô ngày càng rộng lớn và khốc liệt. Những hoạt động này đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, với tính toán triệt hạ các nguồn lương thực, thực phẩm của quân và dân miền Nam - nguồn sống cần thiết đối với con người - nguồn kinh tế bảo đảm cho nhu cầu cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ theo phương thức hậu cần tại chỗ, tự cung, tự cấp từng vùng của Đảng ta.
Trên địa bàn Khu V từ năm 1961 đến năm 1967, Mỹ tập trung tàn phá mùa màng ở vùng rừng núi miền tây các tỉnh như Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., nhưng sau năm 1968, chúng tiếp tục mở rộng xuống các vùng giải phóng và vùng giáp ranh. Mỹ đã thực hiện âm mưu này với nhiều thủ đoạn khác nhau:
- Mỹ đã tập trung nhiều loại phương tiện hiện đại phun rải các loại chất độc phá hoại cây cối, hoa màu với nồng độ cao, nhiều lần trong mỗi khu vực, phá hoại từ khu vực sản xuất nhỏ đến khu vực sản xuất lớn. Thủ đoạn này khiến nhiều nương rẫy của đồng bào miền Nam bị nhiễm độc nặng. Các chất độc rơi xuống đất, bám dính vào thân cây, lá, thấm sâu vào lòng đất, hòa vào nguồn nước. Một số hoa màu bị phá hủy nhanh (chỉ sau từ 2 đến 3 giờ, củ sắn đã bị thối rữa). Đồng thời, chúng phun rải chất độc tập trung vào thời kỳ sinh trưởng của cây trồng và phá hoại lúa sắp thu hoạch hoặc đã thu hoạch. Với thủ đoạn này, Mỹ thường dùng máy bay đi trinh sát trước khi tiến hành phun rải chất độc. Khi nhân dân tiến hành làm mạ, lúa còn non, lúa phơi màu, trổ đòng, ngô ra bắp còn non và lúc trổ cò, sắn mới mọc cao khoảng từ 30 đến 40 cm, khoai lang trồng được trên một tháng, đó là thời kỳ hoa màu dễ bị thiệt hại nhất thì chúng tập trung đánh phá. Mỹ phá hoại kinh tế, thực hiện chính sách gom dân, lập ấp chiến lược của chúng nhằm chia cắt để cô lập lực lượng kháng chiến của ta. Và luôn luôn thay đổi thủ đoạn, kết hợp với gây chiến tranh tâm lý. Chúng còn sử dụng các chất độc hóa học khác nhau để đầu độc lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân ta.
- Mỹ thường sử dụng chất độc hóa học trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Chúng thường rải chất độc phát quang những trục đường chúng sẽ hành quân, những vùng chúng sẽ đổ quân bằng trực thăng hoặc những khu vực chúng nghi ta tập kết lực lượng và vận động tiếp cận. Đồng thời, chúng sử dụng chất độc hóa học kết hợp với các hoạt động khác thực hành ngăn chặn cơ động lực lượng, vận chuyển vật chất, phá công tác chuẩn bị đối với các chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang miền Nam.
- Đế quốc Mỹ có nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại trước đây chưa sử dụng được hoặc những vũ khí hóa học mới chế tạo cần được thử nghiệm và cải tiến. Việc sử dụng chất độc, hơi độc một mặt giúp chúng thực hiện dã tâm xâm lược của chúng, mặt khác, chúng còn muốn dùng chiến trường miền Nam làm nơi thí nghiệm các loại chất độc, hơi độc nhằm cải tiến trang thiết bị dùng vào đàn áp phong trào cách mạng trên thế giới. Chính bởi vậy, khi quyết định mở rộng chiến tranh xâm lược, các quân, binh chủng quân đội Mỹ và một số nước đồng minh của Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học với nhiều loại phương tiện khác nhau, cùng các cơ quan, trung tâm nghiên cứu hóa học để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược,đồng thời tiến hành một cuộc thí nghiệm lớn nhằm cải tiến những trang thiết bị, phương tiện.
Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchia. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam. Theo các nhà khoa học nghiên cứu và đã khẳng định rằng hậu quả về mặt y sinh học của chất độc da cam đối với con người và môi trường sinh thái là rất nghiêm trọng, vì dioxin là chất độc nhất mà loài người đã tổng hợp được. Qua kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khoẻ con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hoá học cũng có biểu hiện bệnh lý. Chất da cam/dioxin đã có ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm dioxin. Hơn thế nữa, tác động lâu dài của chất độc da cam/dioxin không chỉ có mấy chục năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều hoạt động chính sách đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam; vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiếp tục giúp đỡ nạn nhân da cam về vật chất và tinh thần; tạo sự quan tâm, ủng hộ dư luận trong nước và quốc tế đối với cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam . Đặc biệt ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Cần xác định nhiệm vụ xử lý dứt điểm về ô nhiễm môi trường trong khu vực còn tồn đọng chất độc hóa học và chương trình chăm sóc, giúp đỡ người dân vùng phơi nhiễm chất độc da cam vào chương trình an sinh xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của đơn vị, địa phương.
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là tâm nguyện của dân tộc Việt Nam sau chiến tranh. Tuy nhiên 56 năm trôi qua, nỗi đau da cam của người Việt Nam vẫn còn đó. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã làm hết sức mình để khắc phục hậu quả của chiến tranh, xoa dịu được phần nào nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam, đem lại cho họ niềm tin lớn hơn vào cuộc sống.
Nguồn: Sưu tầm.
Mới hơn Cũ hơn