Chỉ số vượt khó AQ - P1: Bỏ cuộc, cắm trại và leo núi

Nguồn: sưu tầm


Tìm kiếm về chỉ số vượt khó AQ, cứ tưởng phải ra một lô một lốc mà thấy ít quá; nghĩ thấy AQ cũng là chủ đề hay vì vậy sẽ làm một vài entry về chủ đề này.
  1. Hình mẫu
Thói quen đầu tiên trong entry về 4 thói quen của người thành đạt đó là xây dựng một nhận thức về bản thân cao. Nhưng nhận thức bản thân lại xuất phát từ việc bạn học tập từ xung quanh. Lúc còn nhỏ ta tìm hình mẫu lý tưởng ở bố mẹ, thầy cô, anh chị; khi lớn lên ta học tập trong phim ảnh, tiểu thuyết, đồng nghiệp…Hồi còn chưa có internet thì hình mẫu ta học tập bị giới hạn nhưng khi có internet ta có thể học theo một hình mẫu ở đâu đó bên Hàn quốc.
Hình mẫu chúng ta học tập thường là người chúng ta tôn trọng, trong con mắt của chúng ta họ là người thành đạt, đã đạt được một cái gì đó to tát lớn lao. Ta học cách ăn mặc, cách nói chuyện, cách suy nghĩ, cách hành động; ta định hình trong đầu rằng ta phải theo đuổi hình mẫu đó, một hình mẫu từ bên ngoài trở thành hình mẫu của chính chúng ta.
Khi chúng ta và hình mẫu sống trong cùng một môi trường giống nhau thì khả năng rất cao là cái ta đạt được sẽ giống như hình mẫu mà mình theo đuổi. Nhưng khi ta và hình mẫu sống trong hai môi trường khác nhau, thường là hai thế hệ khác nhau thì không có gì đảm bảo được ta sẽ thành công cả vì cách làm đã khác rồi. Lấy ví dụ như làm nghề nông, càng đi ngược về quá khứ thì ta thấy trong một gia đình làm nghề nông con cái có thể học mọi thứ nghề nông từ bố mẹ; có thể thấy rõ điều này ở các làng nghề. Nếu bố mẹ thành công thì con cái cũng đạt như vậy. Ngày nay điều đó không còn đúng nữa, cho dù được mùa cũng không chắc đã có lãi trong khi hồi xưa được mùa là mặc định thu nhập cao hơn.
Bố mẹ lứa 7x, 8x của chúng tôi quan niệm phải làm việc trong khối nhà nước mới là thành đạt. Lứa chúng tôi cách đây 15 năm, nói làm ở sở này bộ kia là oai lắm; nếu ai bỏ nhà nước ra ngoài thể nào bố mẹ cũng ngăn cản. Chúng tôi đến giờ này rõ ràng không thể lấy bố mẹ làm hình mẫu cho thành đạt được nữa; quan niệm của chúng tôi và bố mẹ chúng tôi về thế nào là thành đạt, con đường để đi đến đó đã khác nhau vời vợi. Nó cũng như vậy giữa tôi và đời con tôi.
Thế hệ 7X, 8X có thể giờ này đã định hình trong mình một hình mẫu nào đó nhưng lứa 9X, 10X thì vẫn đang đi tìm công thức thành công phù hợp với mình. Họ không biết nên lấy ai làm hình mẫu theo đuổi vì họ nhận ra rằng bất cứ một người thành công nào đều theo đuổi những con đường khác nhau chẳng ai giống ai.
Vì không có hình mẫu nên họ định hình trong mình một nhận thức bản thân không rõ ràng. Họ không chắc chắn về bất cứ cái gì, ngày hôm nay họ nghĩ rằng mình thích cái này nhưng ngày mai lại không thich nữa. Ngày hôm qua họ còn nghĩ rằng mình mạnh cái này, ngày hôm nay họ lại thấy không còn mạnh nữa. Họ mất phương hướng, nghi ngờ về mọi thứ, họ không tìm thấy hình mẫu giữa một biển người không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Tất cả cũng chỉ vì sự thay đổi diễn ra quá nhanh, ta chưa kịp hiểu về một thứ gì đó thì nó đã biến mất. Lúc bắt đầu học thì cái đó còn thịnh hành, học xong rồi thì người ta không còn dùng cái đó nữa. Năm trước công ty còn phát triển ổn định, ta nghĩ còn có thể ở đây tới lúc về hưu; hôm nay họ đã tính tới cắt giảm nhân sự và ta có nguy cơ bị nghỉ việc. Hôm trước việc tự kinh doanh còn ngon hôm sau chính phủ ra chính sách mới, tất cả đổ sông đổ bể. Hôm trước tương lai còn sáng lạn, hôm nay đã bệnh hiểm ngèo.
Có thể chắc chắn một quy luật thế hệ sau phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn thế hệ trước. Thế hệ càng về tương lai sẽ càng có nhiều tiện nghi, tuổi thọ càng cao nhưng họ lại khổ hơn thế hệ trước đó. Họ phải vất vả hơn rất nhiều để có được mức sống ngang bằng với thế hệ đi trước. Chúng ta ngày nay tới nước lọc còn phải mua thì rồi một lúc đó người ta sẽ phải bỏ tiền ra mua không khí trong lành đóng chai. Những thứ miễn phí hiển nhiên ngày nay trong tương lai người ta sẽ phải trả tiền để dùng.
Khó khăn giống như con virus, tồn tại dưới nhiều hình dạng, nhiều cấp độ và đặc biệt là nó biến đổi không ngừng khiến cho chúng ta cứ mỗi lần đối mặt với khó khăn lại thấy nó chẳng giống gì với các khó khăn mình từng gặp để mà dựa vào tư duy kinh nghiệm xử lý. Chúng ta thay vì tạo ra một công thức chuẩn để vượt qua khó khăn thì phải xây dựng cho mình sức mạnh vượt qua khó khăn, đó là ý nghĩa của chỉ số vượt khó. Chỉ số vượt khó cao thể hiện khả năng đối mặt với nghịch càng cao, chỉ số vượt khó thấp có nghĩa là chỉ hơi khó khăn một tí đã không vượt qua được rồi.
2. Ba loại người



Lấy mô hình leo núi để so sánh, con người được phân ra làm ba nhóm sau:
  • Nhóm bỏ cuộc: Đó là những người đầu hàng ngay từ chân núi, họ đầu hàng ngay khi gặp khó khăn. Có thể họ thấy những lợi ích rõ ràng nếu trèo lên nhưng họ không muốn hy sinh cái gì cả, không muốn nỗ lực để trèo. Họ cứ quanh quẩn ở dưới chân núi và luôn có lý do chính đáng tại sao mình lại không cố gắng leo lên.
  • Nhóm cắm trại: Những người cắm trại ưu điểm hơn nhóm bỏ cuộc là họ đã leo núi, khi tới lừng chừng họ tìm được một chỗ bằng phẳng, dựng căn lều tại đó mãi mãi. Người cắm trại suy nghĩ rằng mình đã bỏ công sức ra leo tới đây đã là nhiều rồi, đã đến lúc nên nghỉ ngơi thôi; với suy nghĩ đó họ bỏ tiền bạc, công sức, thời gian để trang hoàng cho căn lều của mình.
  • Nhóm leo núi: Người leo núi quyết tâm leo tới đỉnh, họ không mất thời gian đánh giá những hy sinh đã bỏ ra; nếu có nhìn lại phía chân núi thì chỉ để thấy rằng những hy sinh mình bỏ ra là xứng đáng. Họ coi việc leo núi là một lẽ tất nhiên, không cần phải bàn cãi; trên đường đi họ sẽ gặp rất nhiều những căn lều của người cắm trại. Những người này sẽ thuyết phục họ dừng lại cắm trại bên cạnh lều của họ, họ có thể nghỉ ngơi một lúc nhưng sau đó lại cất bước đi lên.
Tại sao người leo núi quyết tâm vượt qua hết khó khăn này tới khó khăn khác mà không ngừng nghỉ? Vì họ xác định được lý tưởng sống, lý do cho sự tồn tại của họ. Những thành quả họ nhận được trên đường đi thừa sức giúp họ sống thoải mái và an toàn nhưng họ vẫn cứ tiến lên chấp nhận khó khăn và rủi ro mất hết.
Người cắm trại có phải là người biết thế nào là “đủ” để biết dừng lại đúng lúc? Người cắm trại mắc một sai lầm nghĩ rằng căn lều của họ sẽ trụ vững mãi mãi. Thực tế là một trận bão có thể cuốn phăng căn lều của họ, bắt họ trở lại vạch xuất phát. Vì cắm trại quá lâu họ bị mai một dần các kỹ năng leo núi vì vậy khó khăn khi bắt đầu lại từ đầu. Họ có thể gia nhập hàng ngũ những người đầu hàng đông đảo dưới chân núi.
Người ta cắm trại dải rác từ chân núi tới đỉnh núi tùy thuộc vào khả năng vượt khó của mình. Lều càng cao thì view càng đẹp, gió càng mát và không khí càng trong lành. Người ở lều cao thì cảm thấy tự hào vì mình đã vượt qua rất nhiều người phía dưới. Người ở lều thấp chỉ biết nhìn người lều cao và tặc lưỡi, mình chẳng qua là không gặp may.
3. Bị thúc ép phải leo núi
Thông thường trong khó khăn chúng ta mới có thể hiểu được khả năng  vượt khó của mình tới đâu. Giả sử ta sinh ra đã vừa giàu, vừa đẹp, vừa khỏe, vừa thông minh cộng với tâm lý muốn hưởng thụ thì cơ hội để gặp khó khăn là rất ít. . Đó là cái may mà cũng là cái không may, may vì ta không phải khổ sở đối diện với khó khăn. Không may có thể tới cuối đời ta cũng không hiểu hết được khả năng của chính mình. Phần thưởng cho việc vượt qua được khó khăn luôn tương xứng với những nỗ lực bỏ ra. Khi ta không cần quá nỗ lực để có được một cái gì đó thì ta sẽ không cảm thấy happy. Cảm giác của một cậu sinh viên con nhà nghèo tằn tiện có được cái máy tính xách ta sẽ hạnh phúc hơn nhiều so với một cậu sinh viên con nhà giàu chẳng cần nói thì bố nó đã đưa cho nó cái máy tính xịn nhất trên thị trường rồi.
Một người leo núi nếu anh ta leo chỉ vì anh ta muốn leo thì đó là động lực từ bên trong. Cho dù anh ta sinh ra trong một gia đình giàu có, đã có đủ mọi thứ thì anh ta vẫn cứ leo. Một người leo núi vì anh ta bị ép phải leo đó là động lực từ bên ngoài. Động lực từ bên trong khiến anh ta chủ động lựa chọn khó khăn để vượt qua, động lực từ bên ngoài bắt buộc anh ta phải đối mặt với khó khăn (mà nó chọn).
Thời con người còn ăn lông ở lỗ, ta luôn phải đối mặt với sự sinh tồn, cái chết dình dập nếu không hành động. Nó buộc anh ta phải chạy đi kiếm ăn, chạy khỏi thú dữ; anh ta không có cơ hội để không phải đối mặt với khó khăn. Tất cả đều phải đối mặt với khó khăn và nhờ vậy các kỹ năng của họ luôn được rèn luyện. Nếu một ai đó trốn tránh việc kiếm mồi thì các kỹ năng của anh ta sẽ mai một vì vậy một lúc nào đó anh ta sẽ bị hổ răng kiếm vồ hoặc đơn giản là đói ăn mà chết. Động lực 1.0 luôn tồn tại trong mỗi con người hiện đại chúng ta. Nếu ta đang ở trong một căn nhà đang cháy thì bản năng của chúng ta là chạy ra khỏi đám cháy; ta không có lựa chọn nào khác cả; ai cũng sẽ hành động như vậy.
Cách đây cỡ 30 năm, rạp xiếc trung ương có màn xiếc khỉ; con khỉ đạp xe, nhảy dây, lắc vòng,..cứ mỗi lần xong nó lại quay sang nhìn người huấn luyện viên để nhận một viên kẹo; nếu nó không thực hiện theo chỉ bảo của huấn luyện viên thì bị ăn roi. 30 năm sau, cái người ngày đó nay dẫn con của anh ta đi xem xiếc; con khỉ và người huấn luyện viên đã khác nhưng vẫn màn biểu diễn đó, vẫn cách làm đó.
Làm đúng thì được thưởng và làm sai hoặc không làm thì bị phạt. Một doanh nghiệp cũng giống như một bầy đàn người tiền sử hồi xưa. Giả định rằng luật lệ của doanh nghiệp cũng khắc nghiệt như luật lệ của bầy đàn thời đó, số thịt anh được chia tương xứng với công sức anh bỏ ra trong cuộc săn bắn. Nếu anh không tham gia vào quá trình săn bắn thì anh sẽ bị bỏ đói hoặc bị đuổi khỏi bầy đàn.
Động lực 2.0, cây gậy và củ cà rốt, bắt ép người ta phải leo núi. Giống như nước đang dâng lên, muốn sống thì phải leo lên chỗ cao hơn; người nào không leo thì chết, người leo thì sống. Nhờ bị ép buộc, rất nhiều người bỏ cuộc, cắm trại tự nhiên phát hiện ra khả năng leo núi của mình; từ chán ghét nó anh ta chuyển sang yêu thích nó. Do vậy đôi khi luật lệ khắc nghiệt giúp con người ta trở nên tốt hơn; một người Việt Nam đang quen vô kỷ luật, cứ thử sống ở Singapore một thời gian mà xem, thể nào cũng trở thành người biết vứt rác đúng chỗ, biết xếp hàng, biết nói nhỏ nơi công cộng..
Động lực 3.0 là động lực được tạo ra từ tự thân mỗi người. Người lãnh đạo thay vì thưởng phạt thì khơi gợi trong anh ta ham muốn được leo núi. Nếu một người tự thân trong mình có khả năng leo núi thì anh ta được chủ động chọn lựa ngọn núi sẽ leo, leo lúc nào và leo bao lâu. Người bị lệ thuộc vào sức ép bên ngoài không được lựa chọn ngọn núi, không được lựa chọn thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc quá trình leo; anh ta bị động với việc leo núi.


Khác biệt nữa là người bị ép phải leo núi có xu hướng dừng lại cắm trại ngay khi hết sức ép. Khi nước dâng lên, anh ta leo lên một vị trí khô ráo (có thể là sát mép nước) dựng trại ở đó. Khi nước dâng tiếp, anh ta lại leo tiếp lên một đoạn và lại cắm trại. Tâm trạng anh ta rất chán nản bực bội. Người leo núi chủ động thì có tâm thế thoải mái coi việc leo núi là việc phải thực hiện. Anh ta biết rằng anh ta phải đến đâu, do vậy anh ta cảm thấy quá trình leo là ý nghĩa.
Nghịch cảnh
Khi nói tới nghịch cảnh ta thường nói tới một sự kiện vượt quá khả năng sức chịu đựng của con người bình thường. Một người đang khỏe mạnh phát hiện mình hay người thân bị bệnh hiểm ngèo. Một người đang giàu có bị phá sản nợ lần chồng chất.
Đầu hàng trước nghịch cảnh thường có hệ quả cực kỳ lớn, thậm chí là cái chết. Nhưng vượt qua được nghịch cảnh thường con người tìm được mục đích sống của đời người. Chỉ khi tìm ra mục đích sống người ta mới có thể vượt qua nỗi đau của nghịch cảnh, một thứ mà người đầu hàng sẵn sàng chết để không phải đối mặt với nó.
Có lẽ bạn nên đọc cuốn “Điểm đến của cuộc đời” của tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, nó sẽ giúp bạn hiểu sức mạnh của con người lớn lao như thế nào khi phải đối mặt với nghịch cảnh.
4. Thế giới quan
Thói quen thứ hai của Bốn thói quen của người thành đạt có liên quan tới việc chúng ta cần phải nhận thức đúng về môi trường bên ngoài. Tồn tại trong chúng ta có cả 3 loại người Bỏ cuộc, Cắm trại và Leo núi; mỗi người đều có những lời khuyên thuyết phục; việc ta nghe lời ai quyết định lớn tới cách ta hành động.
Khi chúng ta có một cái nhìn đúng, một thế giới quan đúng thì ta sẽ biết lúc nào nên bỏ cuộc, lúc nào nên cắm trại và lúc nào nên đi về phía trước. Bước ra ngoài vùng an toàn luôn luôn là không dễ dàng; việc bạn chưa từng dám bước ra thể hiện bạn là người Bỏ cuộc; trong quá khứ bạn từng bước ra nhưng nay không dám bước ra nữa thì bạn là người cắm trại. Ở tâm thế liên tục bước ra đó là người leo núi.
Có một sự trùng lặp khá vui, AQ cũng là tên nhân vật chính của truyện “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn. AQ khi bị người hơn mình bắt nạt thì chỉ bằng lý luận trong đầu có thể mỉm cười vui vẻ, khi gặp người yếu hơn mình thì lại ra sức bắt nạt. Anh ta làm điều sai trái nhưng luôn nghĩ mình là người có tấm lòng cao cả hơn người bắt nạt mình.
Luôn luôn trong chúng ta có một người làm chủ đạo, đó là 1 trong 3 loại người này. Việc ai làm chủ quyết định do di truyền, do quá trình bạn lớn lên mà hình thành. Nếu bạn là người leo núi thì tuyệt vời, khỏi bàn; nhưng nếu bạn là người bỏ cuộc hay người cắm trại thì phải nhận thức được mình đang là ai và cố gắng từng bước thay đổi.


Mới hơn Cũ hơn