Ngày xửa ngày xưa, ở nhà nọ có hai anh em ruột, người anh tên là Tân, còn người em tên là Lang. Đặc biệt nhất chính là Tân và Lang có khuôn mặt và dáng người giống hệt nhau, đến cả người nhà của họ cũng không ít lần nhầm lẫn họ với nhau. Cha của họ là người cao và to nhất ở trong vùng này, ông đã được vua Hùng cho triệu kiến về Phong Châu để ban thưởng, cũng đặt tên cho là Cao. Kể từ ngày đó trở đi thì mọi người trong gia đình bắt đầu lấy tiếng “Cao” trở thành tên họ cho mình.
Khi hai anh em họ vừa lớn lên thì cả cha lẫn mẹ đều nối tiếp nhau mà qua đời. Vì vậy nên cả người anh lẫn người em đều hết sức quyến luyến nhau, cũng không chịu rời nhau lấy nửa bước. Trước lúc người cha qua đời thì có đem Tân gửi gắm cho người đạo sĩ trong làng họ Lưu.
Tuy nhiên, lúc Tân tới để theo học, Lang chẳng chịu được việc phải ở nhà một mình nên cũng cố cầu xin vị đạo sĩ họ Lưu kia cho phép mình được học cùng với anh trai. Ở nhà của họ Lưu ấy có cô con gái đồng lứa với hai người họ.
Cô gái họ Lưu này muốn tìm hiểu xem trong hai người thì người nào mới là anh, còn người nào là em. Một ngày nọ, cô mới nghĩ ra được mẹo nhỏ để thử. Đúng lúc cả hai anh em đều đang đói thì nàng mới đem dọn đồ ăn ra, nhưng mà nàng chỉ đem ra có duy nhất một bát cháo cùng với một đôi đũa mà thôi. Sau đó nàng đứng nấp ở ngay sau khe vách, và nàng cũng rõ ràng nhìn thấy được người nhường bát cháo kia cho người còn lại. Nàng thì thầm:
– À, hóa ra người anh chính là anh chàng vui tính kia!
Cũng kể từ khi đó thì Tân cùng với cô gái họ Lưu ấy có thêm rất nhiều những buổi gặp gỡ khác. Lâu dần giữa họ nảy sinh tình cảm, và tình yêu cứ càng ngày lại càng khăng khít hơn.
Thấy vậy thì vị đạo sĩ họ Lưu cũng vui lòng mà đem gả con gái mình cho Tân. Về sau thì cả hai vợ chồng dọn đến ở một căn nhà mới, tất nhiên là có cả Lang cùng sống chung.
Kể từ ngày có vợ, tuy rằng Tân vẫn như trước chiều chuộng e trai, nhưng mà lại chẳng âu yếm nữa. Ngày trước thì Lang thường nhận được sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ của anh trai, nhưng giờ thì chàng lại phải chịu rất nhiều ngày chìm trong sự cô đơn, lẻ loi. Hơn nữa, Lang cũng dần nhận ra rằng có nhiều lúc Tân dường như muốn lánh mình, vì vậy trong lòng chàng lại tràn đầy nỗi buồn bực, chán nản:
– Cũng phải thôi, anh ấy bây giờ chỉ mê vợ mà quên mất ta rồi!
Vào một ngày nọ, Tân cùng với Lang đi lên nương làm việc đến tận khi trời đã tối mịt thì hai anh em mới trở về. Lang về đến nhà trước. Khi chàng vừa đưa chân đặt lên trên ngưỡng cửa, bỗng nhiên vợ của Tân đang ở trong buồng chạy vụt ra, chẳng nói chẳng rằng mà ôm chầm lấy Lang. Chàng giật mình kêu lên. Sự nhầm lẫn này của chị dâu khiến cho cả hai cùng cảm thấy ngượng nghịu và xấu hổ vô cùng. Đúng lúc ấy thì Tân lại bước vào trong nhà.
Và cũng kể từ lúc ấy thì Lang biết thêm được một tính tình rất mới của anh trai. Tân ghen với em trai mình. Cái ghen này lại càng làm cho sự hờ hững của Tân với chàng càng thêm nhiều. Thấy vậy thì Lang cảm thấy vừa giận lại vừa thẹn. Lúc này thì chàng chỉ muốn được bỏ nhà đi chõ bõ cái ghét của mình.
Vào một hôm, khi trời chỉ mới vừa mờ sáng thì Lang đã quyết định phải khởi hành đi xa. Chàng men theo con đường mòn mà đi mãi, giờ đây trong lòng của chàng tràn đầy nỗi bực bội, cùng sự oán trách người anh trai vốn trước đây vô cùng thương yêu mình lại có thể thay đổi nhiều đến thế.
Chàng cứ thế đi liền mấy ngày đường. Chàng đi mãi, đi mãi và dừng chân ở bên bờ của một con sông rất lớn. Nước sông chảy rất xiết, khiến chàng cảm thấy có chút ngại ngùng.
Ở chung quanh đây cũng chẳng thể nào nghe được tiếng chó sủa hay gà gáy nào. Tuy nhiên thì Lang nhất định không muốn trở lại nhà. Tủi thân, chàng ngồi gục ngay cạnh bờ mà khóc. Rồi chàng cứ khóc mãi như vậy, khóc đến mức mà những chú chim bay đi kiếm ăn khuya mà vẫn có thể nghe được tiếng khóc nức nở của chàng. Đến sáng ngày hôm sau thì chàng Lang của chúng ta đã là cái xác vô hồn. Và chàng đã hóa thành đá.
Còn về phần Tân, chàng ở nhà không thấy em đâu thì lúc đầu cũng chẳng chú ý mấy. Nhưng mãi sau vẫn chẳng thấy em mình trở về, đến lúc này chàng mới vội vàng tìm đến mấy nhà quen biết, nhưng mà cũng chẳng tìm thấy bóng dáng Lang đâu cả. Tân cũng biết rõ em trai bỏ đi là vì giận dỗi với mình, lúc này cảm thấy hối hận vô cùng.
Đến hôm sau vẫn chẳng thấy Lang về, Tân hốt hoảng lắm, đành phải bỏ vợ ở nhà một mình cất bước để đi tìm em. Mấy ngày đường ròng rã, Tân tới được bờ của con sông lớn.
Tìm mãi nhưng cũng chẳng tìm được cách nào để có thể qua được con sông này, Tân đành phải đi men theo bờ sông, sau cùng thì nhìn thấy em trai mình đã hóa đá tự bao giờ. Tân đứng lặng người ở bên hòn đá ấy, chàng bật khóc, khóc cho đến khi khắp không gian chỉ còn lại có tiếng dòng nước đang chảy cuồn cuộn ở dưới sông mà thôi. Và Tân chết đi, chàng biến thành một cái cây có thân thẳng đứng lên trên trời, mọc ngay cạnh bên hòn đá kia.
Vợ của Tân ở nhà chờ đợi mãi mà chẳng thấy chồng mình về, nàng sốt ruột lắm, sau không đợi được nữa nên cũng bỏ nhà mà đi tìm chồng. Nhưng sau cùng thì bước chân nàng cũng bị con sông lớn ngăn cản. Sau đó thì nàng ngồi cạnh cái cây cao rồi khóc đến cạn hết nước mắt. Nàng chết đi hóa thành loại cây dây và quấn quanh thân cây cao lớn kia.
Chờ mãi mà chả thấy người nào trở về, vợ chồng vị đạo sĩ họ Lưu liền đi nhờ tất cả mọi người ở trong làng cùng nhau chia đường tìm kiếm. Đến nơi hòn đá cùng với hai loại cây lạ thì mọi người cũng chỉ còn biết bảo nhau lập miếu để thờ cả ba người ở ngay bên ven sông. Tất cả nhân dân xung quanh vùng ấy đều gọi miếu đó là “Anh em thuận hòa, vợ chồng nghĩa tiết”.
Sau này, có một năm trời hạn hán dữ dội. Tất cả cỏ cây, hoa lá trong vùng đều khô héo hết. Nhưng riêng hai loại cây mọc ở bên cạnh hòn đá ngay trước miếu thì vẫn xanh tươi mơn mởn. Tất cả mọi người đều cho đó là một điều linh dị.
Có hôm vua Hùng ngự giá ngang qua vùng đó. Lúc đi qua miếu thì vua khá ngạc nhiên vì nhìn thấy có cảnh lạ và cây lạ. Vua hỏi:
– Miếu nơi này là thờ thần nào? Còn mấy loại cây lạ này cũng là lần đầu ta trông thấy?
Lạc tướng thấy vua hỏi thì liền gọi tới mấy cụ già ở trong vùng đến để trả lời. Khi nghe mấy cụ già kể lại câu chuyện xưa, càng nghe thì vua Hùng lại càng cảm thấy cảm động.
Nhà vua liền vạch lá để trèo lên trên cao, nhìn ngắm quang cảnh chung quanh. Sau đó thì vua hạ lệnh cho một cận vệ trèo lên trên cây để hái quả xuống cho mình nếm thử. Vua ăn quả thấy có vị chát, nhưng cũng chẳng có gì là lạ cả. Tuy nhiên, khi nhà vua nhai quả ấy cùng lá của cây dây leo kia thì lại thấy có vị gì là lạ ở nơi đầu lưỡi. Cái vị này nó vừa thơm cay lại vừa ngon ngọt.
Đột nhiên có viên quan hầu bên cạnh hét lớn:
– Trời ơi là trời! Có máu!
Tất cả mọi người đều đứng giãn ra, vẻ mặt vô cùng kinh ngạc. Hóa ra là mấy thứ bã khi nhai quả cùng với lá của hai loại cây kia, một khi nhổ xuống đá thì đổi màu đỏ ối như là máu vậy.
Nhà vua lập tức sai người lấy ba thứ đó nhai lẫn cùng với nhau, và đột nhiên thấy cả người như nóng hừng hực, cảm giác như là có ít hơi men trong người, môi thì đỏ tươi, còn sắc mặt thì rất hồng hào. Vua liền bảo:
– Đúng là linh dị mà! Chính là bọn họ! Tình thương yêu của họ vô cùng nồng nàn và thắm đỏ.
Kể từ đó trở đi thì vua Hùng liền ra lệnh tất cả mọi nơi cùng nhau gây giống và trồng thật nhiều hai loại cây kia. Điều đặc biệt nhất chính là trong luật, nhà vua đã yêu cầu trai gái, khi kết hôn cùng với nhau thì bắt buộc phải tìm đủ ba thứ: trầu, cau cùng với vôi, để cho tất cả mọi người cùng nhai và nhổ một ít để ghi dấu tình yêu chẳng bao giờ bị phai nhạt.
Và cũng kể từ đó mà dân Việt ta mới hình thành tục ăn trầu. Đó là câu chuyện về sự tích trầu cau mà nhân dân ta vẫn lưu truyền.


Bấy giờ là thời kì trị vì của vua Hùng. Nhưng vì tuổi vua càng ngày càng già hơn, thời gian ngồi ngai vàng cũng đã đằng đẵng biết bao năm trời. Có thể thấy được sức khỏe của bản thân ngày càng suy yếu hơn trước, nhà vua muốn chọn lấy một người để nối ngôi của mình. Nhà vua có tất cả là hai mươi người con trai. Và họ đều đã khôn lớn cả rồi. Vua nghĩ bụng:
– Nói về tài năng thì cũng nhiều đứa trội. Chính vì vậy nên ta phải lựa chọn thật cẩn thận mới được. Đặc biệt là phải làm sao cho bọn chúng không tranh giành với nhau.
Đó chính là điều mà nhà vua quan tâm, lo lắng nhất. Sau cùng, may là nhờ viên quân hầu hiến kế, nhà vua liền ra quyết định sẽ mở cuộc thi, căn cứ vào kết quả để mà lựa chọn người thừa kế ngai vàng. Vua Hùng cho gọi tất cả hoàng tử đến. Khi mà mọi người đã tề tựu đông đủ thì nhà vua mới phán rằng:
– Cha cũng biết mình sắp gần đất xa trời rồi. Nay cha muốn chọn một người trong số các con để truyền ngôi lại. Bây giờ các con, mỗi người hãy kiếm hoặc là tự làm lấy một món ăn để dâng lên cúng tổ tiên. Người nào có được món ăn ngon và vừa với ý ta nhất thì ta sẽ chọn người đó.
Sau khi nghe xong lời vua cha nói thì đám hoàng tử lập tức đua nhau sai người đi đến khắp mọi nơi để mà tìm lấy thức ăn quý. Bọn họ hết lên ngàn rồi lại xuống biển, lần mò chẳng sót một nơi. Bất kể là nghe nói có thứ gì ngon, lạ thì họ sẽ cố gắng tìm cho ra.
Trong số các hoàng tử thì có chàng hoàng tử thứ mười tám tên là Liêu. Từ khi còn nhỏ đã mồ côi mẹ, vì thế Liêu phải sống những ngày rất cô đơn cho đến tận khi trưởng thành. Trong khi anh em của chàng vội vã chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm lấy những thứ của ngon vật lạ khắp nhân gian, thì chàng Liêu lại vẫn ung dung nằm khểnh tại nhà.
Không phải là chàng không muốn đi tìm, mà là chẳng có người nào giúp đỡ. Từ nay đến ngày thi chỉ còn lại đúng ba ngày, nhưng chàng Liêu vẫn chưa chuẩn bị được thứ gì cả.
Đêm hôm ấy, chàng Liêu vắt tay ngang trán rồi cố nhớ lại mấy bữa ăn ngon mà chàng từng được đến tham dự. Chàng cứ mải mê suy nghĩ mà ngủ quên từ lúc nào chẳng hay. Chàng mơ màng trông thấy mình và hai mươi mốt người anh em đang thi làm bánh cùng với nhau. Mỗi người đều có được một gian bếp nhỏ do nhà vua chuẩn bị sẵn.
Liêu cũng chưa biết là nên làm việc gì đầu tiên, đột nhiên từ trên trời có một vị nữ thần bay xuống và giúp chàng. Nữ thần nói với chàng:
– To lớn nhất thiên hạ chẳng gì sánh được với trời đất, mà quý báu nhất trên trần gian này chẳng gì bằng được gạo cả. Ta cũng đừng làm quá nhiều, chỉ cần làm đủ hai thứ bánh mang ý nghĩa nhất là được rồi. Hãy nhặt cho tôi chỗ nếp ấy, sau đó tìm cho tôi thêm ít đậu nữa.
Và rồi Liêu trông thấy nữ thần cứ lần lượt lấy ra từng tàu lá xanh và rộng. Sau đó nữ thần vừa gói bánh lại vừa giảng giải cho chàng:
– Bánh này là tượng trưng cho đất. Mà đất thì có cây, có núi rừng, có đồng ruộng nên màu phải xanh và hình dáng thì phải vuông vắn mới được. Trong bánh thì phải cho thịt, cho đỗ, ý nghĩa chính là đất có cỏ cây, có muông thú… Sau đó thì lấy nếp thơm kia đồ cho thật dẻo và giã ra để làm thứ bánh tượng trưng cho trời, có màu trắng, và hình dáng phải tròn mà khum khum như là vòm trời vậy…



Đến khi tỉnh giấc, Liêu bắt tay vào làm hai món bánh mà nữ thần đã dạy chàng ở trong mộng.
Cái ngày mà các hoàng tử đua nhau đem các món ăn về Phong Châu dự thi là ngày vô cùng náo nhiệt và đông vui ở đây. Người đến xem đông ngùn ngụt. Dân chúng ở khắp mọi miền đất nước đều đổ xô về để được tham dự cái Tết hiếm có này: mở đầu là cuộc thi về các món ăn giữa hai mươi hai vị hoàng tử, và kết thúc chính là lễ đăng quang ngai vàng của vị vua mới.
Khi mặt trời vừa mọc, vua Hùng ngồi trên kiệu đi tới để làm lễ tế gia tiên. Nơi này cờ quạt, chiêng trống tưng bừng đến mức khiến mọi người đều cảm thấy nhức mắt rộn tai. Tất cả mọi người đều rất trông chờ, mong ngóng cho đến khi các giám khảo kia bình giá món ăn mà các hoàng tử dâng lên.
Giờ phút mà mọi người mong đợi cuối cùng cũng đến. Nhưng tất cả chả phượng, nem công, gan tê, tay gấu… mà các vị hoàng tử khác dâng lên đều chẳng thể sánh với hai món bánh có vẻ quê mùa của chàng hoàng tử Liêu.
Ban đầu lúc chàng dâng cỗ lên thì tất cả mọi người đều bĩu môi, lắc đầu, khuôn mặt ai cũng bày ra vẻ chê bai rõ rệt. Tuy nhiên, khi mà nếm xong thì thái độ của họ hoàn toàn thay đổi, không có bất cứ người nào lại không gật đầu mà tán thưởng cả. Ông Lạc tướng cũng phải xoa tay mà khen ngợi rằng:
– Đây chính là hương vị khác thường mà lại được làm từ chính những thứ tầm thường nhất.
Còn vua Hùng lại vô cùng ngạc nhiên khi nếm được miếng bánh lạ này. Nhà vua cũng ngắm nghía kĩ lưỡng tất cả những tấm bánh chưa được bóc khác. Sau đó thì vua cho gọi Liêu lên điện, rồi hỏi chàng về cách thức để làm ra những chiếc bánh này. Chàng thành thật tâu lên toàn bộ, kể cả giấc mộng hôm ấy nữa.
Đến quá trưa ngày hôm ấy thì vua Hùng công bố kết quả cuộc thi với tất cả con trai của mình: hoàng tử thứ mười tám đã giành được giải nhất và cũng sẽ là người nối ngôi vua. Vua Hùng đem hai món bánh kia giơ lên cao cho tất cả mọi người cùng nhìn xem, vua cũng nói rõ hết căn cớ, lí do mà mình lựa chọn món ấy là món đứng đầu trong tất cả các mâm cỗ ngày hôm nay. Nhà vua phán:
– Thứ bánh này chẳng những quý và ngon, nó còn mang rất nhiều ý nghĩa vô cùng đặc biệt nữa. Nó không chỉ bày tỏ được lòng hiếu thảo của con cái, tôn trọng kính yêu cha mẹ như là trời đất, mà nó còn chứa đựng tình thương yêu đối với ruộng đồng quê hương. Hơn nữa loại bánh này lại rất dễ làm, nó được làm từ những hạt ngọc quý giá nhất trong số những hạt ngọc trong trời đất này, mà tất cả những hạt ngọc này mọi người lại đều có thể tự làm ra được. Người có thể nghĩ ra được loại bánh này thì hẳn phải là người rất có tài…
Kể từ đó trở về sau thì hằng năm mỗi khi Tết đến là mọi người lại theo tục lệ mà làm hai thứ bánh ấy, họ gọi đó là bánh chưng và bánh dầy để dâng lên thờ cúng cho gia tiên.
Còn hoàng tử Liêu khi lên ngôi vua, lấy hiệu là Tiết Liêu Vương, là Hùng Vương đời thứ mười bảy. Nhưng vì cuộc thi ấy mà có không ít hoàng tử sinh ra lòng ghen ghét, ác cảm và đố kị với chàng Lang Liêu. Bởi vậy nên khi vua cha qua đời, người nào cũng giữ khư khư phần đất của mình. Sau đó họ còn làm hàng rào gỗ để rào xung quanh phần đất của mình làm kế cố thủ, cũng có ý muốn tranh giành cùng Tiết Liêu Vương.


Ngày trước, cũng chẳng ai biết rõ là bắt đầu từ khi nào và bằng cách nào đó, Quỷ đã chiếm đoạt hết từng tấc đất ở nước ta. Con người chỉ là ăn nhờ ở đậu, cũng như làm rẽ ruộng đất thuộc sở hữu của Quỷ mà thôi.
Ấy vậy mà Quỷ càng ngày càng đối xử với Người quá tay, quá đáng hơn. Chúng cứ tăng dần gấp đôi số thứ phải nộp qua từng năm, vì vậy mà mỗi năm lại nhích lên một chút. Sau cùng thì chúng nó ép Người nộp theo thể lệ mới đặc biệt mà chúng mới nghĩ ra, chính là “Ăn ngọn cho gốc”.
Khi Người không chấp nhận thì chúng nó lại lấy sức mạnh ra áp bức và buộc Người phải tuân theo. Vì vậy mà sau vụ gặt năm ấy thì những thứ mà Người thu lại được chỉ trơ toàn những rạ với rạ mà thôi.
Chính vì thế mà khắp nơi đều diễn ra cảnh tượng người nào người nấy toàn là da bọc xương, vô cùng thê thảm. Còn đám Quỷ ở bên cạnh thì đắc ý vô cùng, chúng cười ngất khi nhìn thấy cảnh xung quanh mọi người đều muốn chết rũ hết cả.
Phật ở phương Tây sang thấy vậy mới có ý muốn giúp đỡ cho Người có thể chống lại được sự bóc lột vô cùng tàn nhẫn của đám Quỷ. Khi mùa mới vừa đến, Phật bảo với Người không nên trồng lúa nữa, Phật dạy Người cào đất thành từng luống để mà trồng khoai lang.
Và Người cũng nghe lời làm y những gì mà Phật bảo. Quỷ nào đâu có ngờ rằng Người cũng có ngày có được mưu kế tốt để có thể chống lại sự áp bức của mình, vì vậy vẫn cứ sử dụng thể lệ của mùa trước đó là “Ăn ngọn cho gốc”.



Đến mùa thu hoạch, Quỷ vô cùng hậm hực khi trông thấy Người cứ gánh từng gánh khoai lang lúc lỉu về thẳng nhà mình và chất thành những đống to lù lù ở sân. Nhìn lại nhà mình thì Quỷ lại thấy chỉ toàn là dây khoai cùng lá khoai, toàn là những thứ chẳng thể nào mà nhá nổi. Ác một nỗi là thể lệ cũng đã định ra như thế, đám Quỷ không có cách nào chối cãi được cả.
Đến mùa khác thì Quỷ lại tiếp tục thay đổi thể lệ mới chính là “Ăn gốc cho ngọn”. Giờ thì Phật lại mách Người hãy trồng lúa. Khi thu hoạch, Quỷ lại tiếp tục hỏng ăn lần nữa. Người lại gánh từng gánh lúa vàng óng trở về nhà, còn đống rạ thì cứ để mặc cho đám Quỷ muốn làm gì thì làm.
Lần này thì Quỷ tức đến lộn hết cả ruột lên rồi. Mùa tiếp theo ấy thì chúng ra tuyên bố rằng sẽ “Ăn cả ngọn lẫn gốc”. Đến nước này thì Quỷ cũng phải nhủ thầm:
– Lần này mặc cho chúng mày trồng gì thì cuối cùng cũng chẳng thể nào mà lọt khỏi tay của chúng tao được.
Tuy nhiên thì Phật lại mách cho Người đổi giống cây trồng khác. Phật đem giao cho Người rất nhiều hạt giống của cây ngô để lấp đầy những thửa ruộng rộng lớn.
Năm ấy thì Người lại được thêm một lần sung sướng khi có thể nhìn thấy tất cả những công sức của mình bỏ ra không uổng phí. Trong từng căn nhà của Người thì thóc từ vụ trước còn chưa có ăn hết mà vụ này, từng gánh ngô lớn đã lại được chuyển về, đầy ắp những cót lớn.
Còn về phần của đám Quỷ thì ăn thêm một vố rất đau, chúng tức uất đến mấy ngày liền. Sau cùng thì Quỷ quyết định ép Người trả lại cho chúng tất cả những ruộng đất mà chúng cho làm rẽ. Trong bụng thì chúng thầm tính:
– Thà chúng ta chẳng được gì còn hơn là để chúng nó được ăn một mình thế kia.
Thấy vậy Phật liền bảo với Người tới để điều đình với đám Quỷ để cho mình được tậu lấy một miếng đất chỉ bằng bóng của một chiếc áo cà sa mà thôi. Nghĩa là, bây giờ Người sẽ đem trồng lấy một cây tre mà bên trên ấy có treo một chiếc áo cà sa, và chiếc bóng ấy che được bao nhiêu đất thì phần đất ấy sẽ thuộc quyền sở hữu của Người.
Lúc đầu thì đám Quỷ cũng chẳng ưng thuận đâu. Nhưng mà sau tính đi tính lại thì chúng thấy rằng đất tậu khá ít, nhưng mà giá lại rất hời. Nghĩ vậy nên chúng mới chịu đồng ý đề nghị của Người. Đám Quỷ chắc mẩm:
– Ồ! Nếu như là chỉ cần bằng một chiếc áo cà sa thôi thì có bao nhiêu đâu!
Hai bên đã thỏa thuận và đi đến giao ước rằng: phần đất ở ngoài bóng che thuộc sở hữu của Quỷ, còn phần đất ở trong bóng che ấy thì sẽ thuộc sở hữu của Người.
Đợi Người đã trồng xong tre thì Phật mới đứng hẳn lên trên ngọn cây rồi tung chiếc áo cà sa của mình ra. Áo cà sa của Phật bay ra và tỏa thành một miếng vải hình tròn. Sau đó Phật liền hóa phép khiến cho cây tre cứ thế cao mãi lên trên, cao đến tận trời.
Trời đất đột nhiên biến thành âm u, và bóng của chiếc áo cà sa cứ dần dần bao phủ và che kín hết mặt đất. Đám Quỷ tất nhiên không hề biết rằng lại có một điều phi thường xảy ra ngay lúc này. Mỗi khi bóng của áo cà sa lấn thêm vào phần đất của chúng thì chúng lại phải kéo nhau mà lùi dần, lùi mãi. Sau cùng thì đám Quỷ ấy cũng chẳng còn chút đất nào nữa, vì vậy nên phải kéo nhau chạy ra tít ngoài biển Đông. Bởi vậy nên người ta thường gọi chúng là Quỷ Đông.
Đám Quỷ tiếc rẻ vì tất cả những phần đất đai cùng hoa màu của mình giờ đây lại thuộc về Người, vì thế trong lòng cứ hậm hực mãi không thôi, chúng liền chiêu binh mãi mã kéo nhau vào hòng cướp lại đất.
Lần này thì Người và Quỷ chiến đấu với nhau vô cùng gay go, con người phải chịu áp lực rất lớn bởi vì đội quân Quỷ là cả bầy ác thú nào voi, chó ngao, ngựa, hắc hổ, bạch xà, v.v… con nào con nấy đều vô cùng hung tợn.
Thấy Người có vẻ bị yếu thế hơn, Phật liền cầm ngay cây gậy tầm xích để mà giúp Người đánh Quỷ. Nhờ có Phật ra tay trợ giúp mà đám quân theo Quỷ đến đều không cách nào tiến thêm được nữa.
Mấy trận đánh đều bất lợi nên Quỷ mới sai quân đến dò hỏi xem là Phật có sợ gì không. Phật liền hào phóng mà cho biết là mình sợ nào là hoa quả, nào là oản chuối, còn có cả cơm nắm và trứng luộc nữa. Nhưng đổi lại thì Phật cũng biết được là đám quân kia của Quỷ cũng biết sợ, chính là máu chó, còn có lá dứa cùng với tỏi và cả vôi bột nữa.
Đến lần giáp chiến tiếp theo, đám quân Quỷ liền chuẩn bị không biết bao nhiêu là hoa quả tới để mà ném vào Phật. Phật lại bảo Người tới nhặt để làm lương ăn, sau đó lại lấy máu chó đem vẩy ở khắp mọi nơi. Đám quân theo Quỷ ấy nhìn thấy máu chó là sợ đến hoảng hồn liền bỏ chạy một nước.
Lần giáp chiến thứ hai, lần này Quỷ sai quân của mình đem đến rất nhiều oản chuối để ném vào Người và Phật. Nhưng Phật lại tiếp tục bảo Người đi nhặt hết để làm lương ăn. Sau đó còn đem tỏi giã nát và phun hết lên đám quân của Quỷ. Bọn chúng ngửi được mùi tỏi thì sợ hãi mà co giò bỏ chạy hết cả.
Lần ba giáp chiến, lần này thì Quỷ sai quân đem theo cơm nắm cùng với trứng luộc để ném vào Phật và Người. Và cũng như hai lần trước, Người lại có được thức ăn, và cũng nghe lời của Phật, đem vôi bột ném vào đám quân của Quỷ. Có người lại đem lá dứa ra và quất túi bụi vào đám Quỷ, khiến cho chúng chẳng chạy kịp. Và đám Quỷ ấy lại tiếp tục bị Phật đem đày ở tít ngoài biển Đông xa xôi.
Cái ngày mà cả đám Quỷ gồm Quỷ già, Quỷ trẻ, Quỷ cái, Quỷ đực cùng nhau cuốn gói để ra đi, nhìn bộ dáng của chúng thiểu não vô cùng. Tất cả bọn chúng đều đồng loạt rập đầu xuống đất để xin Phật thương tình có thể cho phép chúng một năm có được vài ba ngày vào trong đất liền để thăm nom phần mộ tổ tiên và cha ông của chúng.
Vì thấy chúng cứ khóc váng hết cả lên, Phật cũng thương hại mà hứa cho. Bởi thế nên hằng năm, mỗi khi dịp Tết nguyên đán tới cũng chính là ngày đám Quỷ được phép trở lại đất liền. Còn con người thì cũng theo lệ mà trồng thật nhiều cây nêu để cho đám Quỷ ấy không dám tới nơi con người đang sinh sống. Và ở trên cây nêu cũng có khánh đất, khi gió tới sẽ phát ra tiếng động để nhắc nhở đám Quỷ nghe được mà tránh đi.
Nhiều khi thì ở trên đó cũng sẽ được buộc thêm nắm lá dứa hay cành đa mỏ hái, Quỷ trông thấy sẽ rất sợ hãi. Ngoài ra thì con người cũng vẽ thêm những hình cung tên có hướng mũi nhọn phía Đông, còn rắc thêm vôi bột dưới đất vào những ngày lễ Tết, chính là để cấm cửa không cho Quỷ vào.
Trong dân gian có lưu truyền câu tục ngữ như sau:
“Cành đa lá dứa treo kiêu (cao),
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.
Quỷ vào thì quỷ lại ra,
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm.”
Hơn nữa, trước đây con người cũng tin rằng mỗi khi muốn đuổi Quỷ, ví dụ như là khi xuất hiện dịch tễ, thì mọi người sẽ cùng treo những bó lá dứa lên trước ngõ, hoặc là dùng máu chó vẩy ở khắp nơi để cho đám Quỷ khỏi quấy rỡ. Đàn bà con gái cũng thường đem tỏi buộc vào những giải yếm, mục đích cũng gần giống như vậy.


Ngày trước có anh chàng rất trẻ tuổi, cũng chưa cưới vợ, từ nhỏ đều sống bằng nghề cày cuốc ruộng nương. Vào một ngày, anh mang theo búa lên rừng để đốn củi về dùng. Trong lúc lúi húi đẵn cây thì anh vô tình nhìn thấy có con quạ đang tha con chim sẻ bay tới, nó đậu ngay trên phiến đá gần chỗ anh đang làm việc. Trông thấy vậy, anh cũng động lòng xót thương với con chim sẻ bé bỏng chuẩn bị làm bữa ăn cho cái loài ác điểu kia.
Nghĩ đi nghĩ lại anh liền nhặt lấy một hòn đá rồi ném thẳng vào con quạ kia. Quạ bị giật mình nên bỏ luôn mồi lại mà đập cánh bay lên cao. Tức mình bởi vì mồi đến miệng rồi còn để mất nên quạ cứ bay lòng vòng mà chửi rủa vô cùng om sòm. Anh chàng lại nhặt thêm mấy hòn đá để ném vào quạ, cũng không quên mắng lại:
– Cái đồ chim dữ kia, mau cút ngay đi!
Quạ không làm gì được nên đành bay đi, mang theo cả một bụng hậm hực, nó cũng không quên đe dọa anh rằng sẽ tìm cách báo thù cho bằng được. Anh vội vàng chạy tới chỗ con chim sẻ, thấy nó đang thoi thóp thì anh cố tìm cách để mà ủ cho nó, mong nó sống lại được. Khoảng thời gian giập bã trầu thì con chim sẻ ấy hồi tỉnh, có thể bay được.
Chim sẻ liền cảm ơn ân cứu mạng của anh, sau đó bảo anh chờ nó, nó sẽ đem đến biếu cho anh vật này. Một lúc sau thì chim sẻ quay trở lại, miệng nó còn ngậm thêm một cái lọ nhỏ. Nó bay tới chỗ anh, đặt chiếc lọ kia xuống và bảo:
– Đây chính là lọ nước thần, nó có phép màu làm cho con người ta trẻ lại, làm cho vật lớn hơn, trên trần gian này không một ai có được.
Nói xong thì chim sẻ lập tức vỗ cánh và bay đi mất. Còn anh thì vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, tần ngần một lúc mới mở nút lọ kia ra xem thử. Anh thấy bên trong lọ chứa đầy thứ nước có mùi thơm ngào ngạt. Anh bèn thầm nhủ:
– Mấy thứ này là để mấy bà quan làm đẹp làm dỏm, chứ hạng như mình thì dùng làm gì.
Anh đem chiếc lọ nút lại thật cẩn thận, lúc gánh củi trở về nhà thì anh cầm lọ treo lên trên kèo nhà. Thời gian cứ thế trôi qua, chuyện làm ăn công việc bận rộn khiến anh quên béng đi mất, cũng chẳng có thời gian mà suy nghĩ tới lọ nước thần ấy.
Vài năm sau đó, phải chật vật, khó khăn mãi thì anh chàng này mới có thể cưới được một người vợ. Mà vợ của anh cũng chỉ là con của nhà nông, quanh năm bên thửa ruộng, quen cảnh chân lấm tay bùn, vì vậy nên trông cũng xấu xí, đen đủi lắm. Tuy nhiên thì hai vợ chồng lại được cái là rất yêu thương nhau.
Một ngày nọ, người chồng bận việc đi cày, người vợ ở nhà thì quét dọn hết các ngõ ngách. Lúc dọn ở trên kèo nhà thì chị trông thấy có cái lọ nhỏ nhỏ treo ở đấy, chị liền bắc ghế lên lấy xem thử. Lúc ngửi được mùi thơm thì chị ta cứ nghĩ đấy chính là dầu thơm dùng để gội đầu. Đợi sau khi đã dọn dẹp đâu vào đấy, chị liền đi nấu nước để tắm rửa gội đầu, tiện tay thì đổ luôn lọ nước thơm ra để xức hết vào tóc tai và mình mẩy của mình.
Chẳng thể ngờ sau khi chị ta xức qua thứ nước thơm kia thì đột nhiên trở nên trắng trẻo, xinh xắn hơn, nhan sắc đã biến thành mỹ miều khó có người bì kịp. Còn số nước thần vô tình chảy xuống dưới mấy luống hành nhà chị ta trồng ngay bên giếng thì đột nhiên lớn phổng lạ thường. Những cây hành ấy có củ to như là bình vôi, còn dọc thì đều dài bằng cái đòn gánh.
Đến khi mà người chồng đi làm trở về, anh nhìn thấy mặt vợ mình thì chỉ biết ngẩn tò te ra vì cứ ngỡ như là nàng tiên sa xuống nơi cõi trần này vậy. Nếu như là không có giọng nói quen thuộc thì chắc chắn anh chẳng thể nào nghĩ được người trước mặt lại chính là vợ của mình.
Lúc anh nghe vợ mình nhắc về cái lọ nước thơm thì anh mới giật mình nhớ lại chuyện trước kia con chim sẻ được anh cứu đã báo đền anh bằng lọ nước thần. Nỗi vui mừng lúc này của hai vợ chồng chẳng biết làm sao mà cân đếm cho được, anh cứ ngắm nhìn vợ mình mãi mà chẳng thấy chán, sau đó kể lại toàn bộ câu chuyện từ ba năm trước cho vợ mình nghe không sót một chữ.
Kể từ ngày đấy trở đi thì anh chàng cứ quấn quýt không rời vợ nửa bước. Cũng bởi vậy nên chuyện đồng áng bị anh bê trễ nhiều. Tuy nhiên, nếu như mà cứ mãi ở nhà thì cả hai vợ chồng sẽ chết đói mất, vì thế tuy không muốn nhưng anh buộc phải đi làm trở lại.
Để khỏi phải nhớ nhung thì anh chàng thuê một người thợ tới nhà để vẽ một bức hình của người vợ. Những lúc phải làm việc ở ngoài đồng thì anh sẽ đem bức tranh ấy treo ngay bờ ruộng để có thể nhìn ngắm cho thỏa thích.
Vào một ngày, trong lúc anh đang mải mê cày ruộng, mà bức tranh anh lại treo ở cái cọc đang cắm phía trên bờ. Anh mới chỉ cày được khoảng mươi luống thì từ đâu, con quạ ngày xưa đột nhiên sà xuống, nó quắp luôn lấy bức tranh của anh rồi bay đi mất.
Anh chàng đang ở tận bên kia bờ nhìn thấy vậy thì vội vàng hò hét mà đuổi theo, tuy nhiên thì không thể nào đuổi kịp con quạ kia được. Nó đã bay rất cao và rất xa rồi, chỉ một lúc là mất hút.
Để báo thù chuyện anh chàng đã ném đá và giành mồi của mình ba năm trước, quạ ta quắp bức tranh kia bay vào tận kinh đô rồi thả ngay giữa sân rồng. Đám thị vệ trông thấy có chuyện lạ nên chạy đến đem theo bức tranh kia trình lên cho nhà vua xem. Nhà vua cầm lấy bức tranh truyền thần mà ngắm nghía không chán mắt, trong bụng thầm nghĩ:
– Ở trong số ba cung sáu viện của ta, tuy rằng đã có rất nhiều người đẹp rồi, nhưng là chẳng có người nào lại có thể so sánh với người đàn bà ở trong tranh này. Chắc hẳn là do trời đã sai quạ đem đến mách nước cho ta đây mà!
Nhà vua lập tức ra lệnh cho một tên quan đại thần cùng với một trăm tên thị vệ của mình phải tìm cho bằng được người đàn bà ở trong bức tranh đem về cung điện. Quan đại thần vội vã cho người đến từng địa phương để lùng sục mọi hang cùng cũng như ngõ hẻm để tìm kiếm.
Để tăng thêm hiệu quả cho cuộc tìm kiếm của mình, khi đến các vùng chúng đều cho mở hội để thu hút sự chú ý của mọi người, khiến cho họ cùng nhau đổ về để xem hội. Và đợi cho khi dân chúng đã tập hợp rất đông thì chúng lại đem bức tranh kia ra, giả vờ nói rằng đó là đồ vô tình nhặt được, nếu là của ai thì hãy đến nhận lại.
Vào một ngày, chúng đến vùng quê của hai vợ chồng người có lọ nước thần, và chúng cũng tiếp tục mở hội liền ba ngày ba đêm. Quả nhiên là anh chàng kia đã sa vào kế gian của chúng.
Lúc nhìn thấy bức tranh kia, anh chàng cũng chẳng có chút đắn đo nào, lật đật chạy tới nhận tranh. Tuy nhiên, anh chàng có nhờ đâu rằng, anh vừa nói xong thì bị đám lính kia chộp lấy rồi bắt anh đưa về đến tận nhà. Bọn chúng đã ngay lập tức nhìn thấy người đàn bà ở trong bức tranh kia. Đám lính vui mừng vô cùng, vội vàng mang kiệu tới rước nàng vào kinh, mặc cho người chồng ở lại đó vật mình mà than khóc.
Kể từ sau khi bị bắt vào trong cung thì người đàn bà đẹp chẳng cười mà cũng chẳng nói gì, áo đẹp nàng cũng không mặc, đầu tóc nàng cũng chẳng thèm chải, nàng cũng không cho bất cứ người nào tới gần mình.



Vì người đẹp cũng đã được đem về cung nên nhà vua vô cùng mừng rỡ, tuy nhiên thì cũng cảm thấy buồn phiền rất nhiều. Bởi vì dù cho nhà vua có bày ra đủ thứ, nào là dỗ dành, nào là dọa nạt, nhưng cuối cùng cũng không thể nào làm cho người đẹp nói một lời, hay là nở một nụ cười.
Sau đó thì nhà vua hạ lệnh rằng, trong dân chúng, bất kể là người nào, chỉ cần có thể làm cho nàng nói cười được thì sẽ được ban thưởng quan cao và lộc hậu. Tin này được rao xuống thì từ khắp mọi nơi, có không biết bao nhiêu người, có những vai hề nổi tiếng, lại có thêm những ông trạng cười, còn có cả lương y, cũng như mấy pháp sư phù thủy… đều kéo tới kinh đô để thử vận may, mong được trổ tài trổ phép của mình khiến cho người đàn bà đẹp kia buột miệng cười nói để được nhận thưởng. Tuy nhiên, dù cho bọn họ đã bày ra đủ trò nhưng chẳng cái nào có hiệu quả cả.
Lại nói về anh chồng, kể từ khi quan quân bắt mất vợ anh đi thì cũng chẳng thiết tha gì chuyện làm ăn nữa. Lúc mà nghe được tin rao rằng nếu như ai có thể khiến cho người đẹp ở trong cung kia cười nói được sẽ được nhà vua thưởng cho rất hậu, thì anh nhận ra ngay việc vợ mình đang trong cung của vua, vì vậy quyết định vào kinh đô để tìm lại vợ.
Trước lúc đi thì anh chàng đi nhổ lấy mấy củ hành trồng ở ngay cạnh giếng, sau đó buộc thành một gánh và quẩy theo. Khi đã đến kinh đô rồi, anh chàng quảy theo gánh của mình rồi đi đi lại lại ngay trước cửa của hoàng cung mà rao to rằng:
“Dọc bằng đòn gánh,
Củ bằng bình vôi,
Ai mua hành tôi,
Thì thương tôi với!”
Và tiếng rao hàng của anh cứ vọng vào trong cung, mỗi lúc lại càng lớn hơn. Nét mặt người vợ cũng đột nhiên thay đổi, càng lúc càng tươi hơn. Sau cùng thì nàng quay lại và bảo với thị nữ là:
– Ngươi hãy mau đi gọi người bán hành vào đây cho ta!
Lúc thấy được mặt chồng thì người vợ đột nhiên cười một tiếng rất tươi. Nhà vua thấy người đẹp lần đầu cười nói thì sung sướng vô cùng. Và khi nhìn đến những cây hành lạ thường kia thì cũng lấy làm kinh ngạc lắm. Nhà vua cứ ngỡ chính những cây hành lạ kì này là nguyên nhân khiến cho người đẹp cười nói. Và nhà vua đột nhiên lại nảy ra một suy nghĩ muốn mình cải trang thành người bán hành để có thể làm cho người đẹp vui lòng. Nghĩ là làm, nhà vua hạ lệnh cho người chồng:
– Ngươi hãy để gánh hành ở đấy và nhanh cởi áo ra!
Nhà vua cũng theo đó mà cởi long bào trên người ra ném cho anh, và lấy áo của anh mặc vào. Nhà vua cũng ra lệnh cho anh phải dạy cho mình câu rao kia, sau đó thì cứ quẩy gánh hành lớn đi qua đi lại trước mắt người đẹp mà cất giọng rao to.
Thấy vậy thì thì người vợ anh bán hành liền cười đến không khép miệng lại được. Nhà vua trông thấy thế lại càng thích thú mà làm hăng hơn. Nhưng mà bỗng nhiên người đẹp lại sai đám thị nữ đem đàn chó thả ra. Đám chó dữ được thả, trông thấy vua mà cứ ngỡ đó là người lạ nên xông tới cắn chết tươi. Và người đàn bà kia lại vội vàng bảo chồng mình:
– Mình mau mau ngồi lên trên ngai vàng đi!
Người chồng nghe thấy vợ nói thì cũng lật đật chạy lên và ngồi vào ngai vàng, trăm quan cùng với cung nữ nhất loạt rập đầu mà bái mạng. Kể từ ngày đó thì anh chàng làm vua, cùng chung sống hạnh phúc với vợ mình đến trọn đời.


Ngày xửa ngày xưa, ở làng nọ có anh chàng không công cũng chẳng nghề, cả ngày anh ta chỉ biết mỗi việc ăn bám vợ rồi ra ngoài khoác lác đủ điều. Một hai ngày thì không sao, nhưng riết rồi thì chị vợ cũng cảm thấy bực mình lắm, chị ta phải nai lưng làm việc nuôi ba đứa con lẫn cả ông chồng vô tích sự.
Một ngày nọ, chị vợ không chịu được nữa nên anh chồng phải đi ra ngoài học lấy một cái nghề có thể nuôi thân được. Cũng là bởi vì chị thấy mình không thể nào cáng đáng được cái nhà này nữa rồi.



Vậy là anh chàng lại phải lang thang đi hết nơi này đến nơi khác tìm nghề. Nhưng mà cả buổi anh ta cứ đứng hết bụi này rồi lại trông hết bụi nọ nhưng lại chả học được cái nghề cái ngỗng nào ra hồn cả. Đến tận xế buổi trưa thì anh ta lại lật đật trở về nhà.
Trước lúc vào trong nhà thì anh chàng có đứng nấp ở phía sau vách để nghe trộm xem vợ ở nhà có nói xấu mình hay không. Cũng vừa lúc người vợ mới đi chợ về, có mua được năm cái bánh gói, chị chia cho mỗi đứa con một cái. Dư lại hai cái thì chị mới bảo con đem cất vào vại gạo ở trong buồng để phần cho chồng.
Nghe được vậy thì anh ta thích thú lắm, nhưng phải chờ hồi lâu thì mới giả bộ là đi từ cổng vào trong nhà. Người vợ thấy chồng về liền hỏi:
– Đã học được cái nghề nào chửa?
– Đã! – Anh chàng trả lời cụt lủn.
– Nghề gì mà lại học được nhanh thế hả?
– Buổi sáng tao cứ đi ở dọc đường ấy, may mắn gặp được ông thầy hít, thế rồi ông ấy chỉ cho tao biết bói bằng cách hít ấy. Giờ thì chỉ cần có cái gì giấu kín, tao dùng mũi hít mấy cái thì có thể tìm được ngay đấy. Nào, xem có cái gì không để tao làm cho xem thử?
Nghe vậy thì người vợ lập tức tiếp lời:
– Vậy được. Tôi mới mua được hai cái bánh đấy, đang cất một chỗ rồi, cứ hít đi, tìm được thì ăn, nhưng nếu không tìm được thì ráng mà nhịn!
Đợi vợ nói xong thì anh chàng mới ngước mũi mình lên mà giả bộ như hít mấy cái liền, sau đó mới bảo:
– Đúng rồi, bánh đang cất ở trong cái vại gạo trong buồng.
Dứt lời anh chàng chạy nhanh vào trong buồng và lấy hai cái bánh ra ăn, còn vợ con thì chỉ biết há hốc mồm kính phục trước khả năng của anh ta.
Người vợ lại cứ ngỡ là chồng mình học được nghề thật, vì thế nên vui mừng lắm, vội vàng chạy đi khắp xóm giềng loan báo rằng chồng mình đã học được cái nghề thầy hít, và thử đoán thì thấy hay như là thần phán vậy. Kể từ nay trở đi, nếu như ai có mất mát cái gì thì cứ đến nhà nhờ anh ta tìm hộ là được ngay.
Ngày hôm ấy, ở trong xóm vừa lúc có bà già bị mất ổ lợn con, dù tìm khắp nơi rồi mà cũng chẳng tìm thấy đâu cả. Khi nghe được tin thì bà ta lập tức chạy tới ngờ vả tìm giúp.
Lần này anh chàng cũng thực là may mắn, bởi vì buổi sáng lúc đi học nghề có đứng nghỉ cạnh bụi tre bên đường, vô tình trông thấy có một đàn lợn con đi lạc chạy vào trong đó. Anh chàng mừng lắm, nói với bà già kia là:
– Nếu như tôi tìm được đàn lợn cho bà thì bà cho tôi cái gì?
Không nói nhiều, bà ta lập tức hứa hẹn sẽ cho hai chú lợn con nếu như tìm được. Anh ta lại giả vờ ngước mũi lên mà hít hít mấy cái, sau đó mới dẫn bà già tới chỗ bụi tre có đám lợn con. Ngay lập tức bà già tìm được đàn lợn con của mình, và bà ta cũng chia cho hai con lợn con như lời hứa lúc trước.
Người vợ trông thấy chồng mình chỉ học một cái nghề rất đơn giản như vậy nhưng lại kiếm được của cải dễ dàng thì rất sung sướng, cũng vội vã chạy về nhà cha mẹ đẻ của mình để khoe khoang. Người cha biết tin con rể mình học được phép lạ thì cũng hâm mộ lắm. Ông ta liền nói riêng với người vợ của mình là:
– Bà bảo con gái mình về gọi con rể sang nhà đi. Nếu như mà nó có thể chỉ đúng được món tiền mà ta chôn dưới gốc cây táo ở sau vườn thì hãy cứ chia cho nó phần nửa đi!
Nhưng ông ta nào có ngờ được rằng chàng rể của mình cũng lén lút chạy theo vợ sang bên này từ khi nãy, và vẫn đang đứng nấp trong một góc nhà mà nghe lén. Sau khi nghe được những lời cha vợ nói thì anh chàng lập tức chạy thẳng về nhà, còn giả như đang nằm ngủ nữa chứ.
Lúc mà vợ dẫn theo mẹ vợ về nhà thì phải gọi mãi anh ta mới thức dậy được. Sau đó anh chàng lật đật theo sau vợ và mẹ vợ để sang nhà của ông nhạc. Và tất nhiên, anh ta chỉ được đúng chỗ mà cha mẹ vợ chôn tiền, rồi được cho nửa số tiền ấy.
Cũng kể từ khi đó thì tiếng đồn về người thầy hít cứ lan nhanh đi mãi. Trùng hợp vào khoảng thời gian ấy thì bên trong hoàng cung có xảy ra vụ trộm vô cùng lớn. Nhà vua bị mất trộm con rùa vàng cùng với con rùa bạc, đó là hai thứ bảo vật mà vua Trung Quốc đem tặng.
Lúc bấy giờ ở trong cung cứ rối rít hết lên, chẳng ai nghĩ được cách để mà tìm ra thủ phạm và tìm lại đồ đã mất. Vừa lúc lại nghe được tin đồn về thầy hít đại tài, nhà vua lập tức lệnh cho một toán lính đến tận nơi để mời thầy hít vào cung cho bằng được.
Lúc thấy sức giả đem theo quân lính đến tận nhà để triệu mình thì anh chàng hoảng hốt lắm. Vì đã chót đánh lừa tất cả mọi người nên anh ta chẳng biết phải than thở chuyện này với ai. Trên đường trở về kinh đô, nằm ở trong cáng, anh chàng thầm nghĩ: “Phen này đúng là mất đầu tới nơi rồi!”.
Càng nghĩ lại càng thấy buồn lòng hơn, anh ta bắt đầu tưởng tượng ra những thứ nhục hình mà mình sẽ phải chịu ở trong cung, chân tay cũng rụng rời hết cả. Bởi thế nên lúc đi ngang qua một con sông, anh chàng làm liều nhảy xuống, trong bụng nhẩm tính thà cứ chết luôn ở đây thì tốt hơn là vào cung để bị kìm kẹp cho khổ cái thân ra.
Hai tên lính chịu trách nhiệm khiêng cáng thấy vậy thì lo sợ rằng ông thầy hít mà vua chờ chết đi thì bọn họ sẽ phải gánh chịu tất cả tai vạ, vội vội vàng vàng chia nhau nhảy xuống sông để tìm. May mắn sao, sau một hồi lặn ngụp thì cũng lôi được cái anh chàng kia lên trên bờ.
Lúc tỉnh lại thì anh ta thất vọng lắm, tuy nhiên thì cũng giả bộ như giận dữ mà mắng cả hai người lính kia:
– Tao là muốn xuống hỏi vua Thủy xem thủ phạm là ai, can gì mà hai chúng mày cứ hốt hoảng như thế hả.
Nhưng thực ra bên trong bụng anh chàng lại thầm nghĩ: “Vậy là muốn thoát mà chẳng thoát nổi rồi. Biết làm sao đây?”. Và anh chàng lại phải nằm lên trên cáng để cho hai tên lính kia khiêng mình đi, trong miệng thì cứ lầm bẩm:
– Bụng làm thì dạ chịu, chớ có mà than vãn gì!
Chẳng ngờ được trong hai người mà nhà vua sai tới đón thầy hít, có một người tên gọi Bụng, tên còn lại tên gọi Dạ. Và chính hai đứa này đã thông đồng với nhau để mà ăn trộm con rùa vàng và con rùa bạc của nhà vua. Tang vật thì hiện chúng vẫn còn giấu ở trên máng nhà, vẫn chưa tìm được cách tẩu thoát đi.
Giờ lại nghe được tiếng thầy hít cứ lẩm bẩm thì cứ tưởng thầy hít đã hỏi được vua Thủy nên biết hết sự tình. Cả hai cuống quýt hạ cáng xuống rồi lạy lấy lạy để thầy hít như là tế sao vậy. Cả hai cũng thành thật mà thú hết tội lỗi của mình, rồi lại xin thầy hít giấu giùm mình chuyện này, nếu không thì cả hai sẽ khó thoát được án tử hình.
Sau khi nghe hết, thầy hít như được mở cờ ở trong bụng, cũng vội vàng hứa cho cả hai tên lính kia yên tâm. Lúc vào diện kiến nhà vua, anh ta cũng giở phép hít thần thông quảng đại của mình ra, đương nhiên là tìm ra được hai thứ bảo vật bị mất trộm vẫn còn được giấu ở ống máng.
Tìm được bảo vật, nhà vua mừng lắm, lại cũng rất thán phục trước tài năng siêu phàm của anh chàng, vì vậy ban thưởng cho rất hậu, hơn nữa còn ban thưởng tước lớn nữa.
Anh chàng trở về nhà chẳng được lâu, một ngày kia, đột nhiên sứ giả Trung Quốc lại tìm đến nhà và mời mọc rất khẩn khoản. Chuyện là gần đây trong cung của hoàng đế Trung Quốc có xay ra vụ trộm lớn vô cùng. Vô số những thứ bảo vật quý giá trên đời bị cái bọn bạo gan đem đi mất.
Hoàng đế Trung Quốc đã cho mời không biết bao nhiêu là thầy bói giỏi vào cung nhưng cũng chả được tích sự gì. Nay lại nghe được bên Việt Nam có thầy hít đại tài, vì thế nên mới phái sứ giả đến mời sang để tìm giúp. Cũng hứa hẹn là sau khi tìm được sẽ ban thưởng rất hậu.
Lần này thì anh chàng lại lo đến sốt sình sịch, còn lo sợ hơn mấy lần trước rất nhiều. Lúc qua sông thì anh ta lại nhảy luôn xuống định sẽ tự vẫn. Nhưng lại chẳng ngờ vẫn được cứu lên.
Tuy nhiên thì lần này, chẳng hiểu anh chàng nhảy kiểu gì mà khi được cứu lên lại thấ sứt mất một bên mũi. Khi tỉnh lại, anh ta lập tức chỉ vào cái mũi bị sứt của mình rồi bảo với sứ Trung Quốc là:
– Chuyện làm ăn của tôi trước nay đều là nhớ cái mũi này cả. Không may khi nãy có con cá nóc cướp mất phép màu nhiệm rồi, giờ còn gì nữa đâu mà sang.
Nghe anh ta nói vậy thì sứ giả cũng chẳng biết phải nói sao, vì vậy phải đành đưa anh ta về lại nhà.

-->