Truyện cổ tích - Quan Âm Thị Kính


Chuyện xưa kể lại rằng, có một người nọ đã trải qua rất nhiều kiếp, trong tất cả những kiếp mà người đó đã trải qua, dù là trong kiếp nào thì kể từ khi còn tấm bé, cho tới tận khi trưởng thành thì người đó cũng luôn giữ được đức hạnh cho mình, trở thành một bậc chân tu chân chính. Người đó cứ như vậy mà chuyển kiếp luân hồi liên tục chín lần liền, tuy nhiên thì vẫn chưa có kiếp nào mà được trở thành Phật cả.
Chuyển kiếp lần thứ mười thì người này được đầu thai tại nước Cao Ly, trở thành con gái của nhà họ Mãng, cha mẹ nàng đặt cho nàng cái tên Thị Kính. Thị Kính là một thiếu nữ có được thân hình khá đầy đặn, có một khuôn mặt dễ nhìn, tính tình thì điềm đạm. Khi nàng trưởng thành thì hết lòng thờ kính cha mẹ, tất cả những chuyện nhà chuyện cửa nàng đều chăm lo đảm đang.
Khi nàng tới tuổi cập kê thì cha mẹ chọn gả nàng cho chàng học trò con nhà họ Sùng, anh chàng tên Thiện Sĩ. Không khác nhà vợ là mấy, nhà họ Sùng cũng không mấy khá giải gì cho cam. Khi thấy chồng mình chăm chỉ dùi mài kinh sử, chẳng khi nào đàn đúm, chơi bời, vì vậy nên nàng Thị Kính cũng chẳng ao ước điều gì viển vông cả, nàng một mực ra sức mà làm lụng tần tảo, cố gắng dành dụm và chăm sóc để chồng có thời gian học hành kinh sử.
Vào một đêm nọ, Thiện Sĩ thì ngồi bên án thư để đọc sách, còn Thị Kính thì ngồi ngay cạnh bên để may vá, hai người cùng soi chung ngọn đèn dầu. Thiện Sĩ đọc sách mãi hồi lâu thì thấy người hơi mệt mỏi, vì vậy ngả lưng lên giường, gối đầu mình lên đầu gối của vợ, sau khi trò chuyện được một lúc thì cũng thiu thiu mà ngủ quên mất.
Thấy chồng ngủ say, Thị Kính cố sức giữ im lặng để cho chồng mình được yên giấc. Lúc này thì nàng lại có thời gian để mà nhìn ngắm kĩ càng khuôn mặt anh tuấn của chồng mình. Đột nhiên nàng nhìn thấy ở ngay trên cằm của chồng lại có một sợi râu mọc ngược.
– Ôi chao! Sao ở đây lại có một sợi râu xấu xí như vậy chứ. Người ta nói râu mọc ngược chính là tướng người bạc ác. Thế này không được, ta phải len lén mà nhổ nó đi giúp chàng!
Bụng nghĩ là vậy, lại tiện có con dao nhíp đang ở trong thúng đựng đồ may, nàng liền cầm lấy định bụng nhổ đi sợi râu mọc ngược cho chồng. Nhưng mọi chuyện nào có ai ngờ tới, khi lưỡi dao lóe sáng ấy vừa đưa tới gần, cũng vừa lúc Thiện Sĩ thức giấc tỉnh lại. Khi nhìn thấy trong tay vợ mình đang cầm con dao nhọn, mũi dao lại chĩa ngay vào mặt mình vào lúc mình mệt mỏi mà ngủ quên, Thiện Sĩ chợt nghĩ ngay những tình huống đen tối nhất. Thiện Sĩ vội vàng vùng dậy rồi nắm chặt lấy cổ tay vợ mà la lớn:
– Chết thật? Nhân lúc ta đang ngủ mà nàng cầm dao định giết ta sao?
Thị Kính oan uổng đáp lại:
– Sao có thể có chuyện đó chứ? Vì thấy trên cằm của chàng có một sợi râu mọc ngược nên thiếp chỉ định nhổ nó bởi vì sợ nó xấu xí thôi!
Tuy nhiên đang trong mối nghi ngờ cùng hoảng hốt, Thiện Sĩ nào có tin tưởng được những lời nói ấy. Một mực chỉ tin vào những gì mình nhìn thấy, những gì mình nghĩ.
– Thôi! Nàng chẳng phải chống chế làm gì nữa. Làm gì có cái chuyện muốn nhổ râu trong lúc ta đương ngủ say chứ. Nếu như muốn nhổ sao không đợi đến khi ta tỉnh lại, hoặc là những lúc ban ngày ban mặt thì có phải hơn không nào?
Trong lúc trăm mối nghi ngờ chưa được giải tỏa ấy thì mẹ của Thiện Sĩ vốn ngủ ngay ở buồng cạnh bên nghe được những tiếng cãi nhau thì liền bật dậy, chạy sang và đẩy cửa đi vào trong. Nghe được câu chuyện con trai kể lại thì bà ta mồm ngoa mép lẻo quát tháo:
– Ôi trời ơi! Cái con này mày thật là to gan mà! Sao mày dám đưa tay mà làm mấy việc tội ác tày trời như vậy. May mắn sao con ta tỉnh lại kịp lúc, nếu không thì tính mạng cũng mất dưới tay mày rồi.
Thấy chồng cùng mẹ chồng chẳng tin mình nói, Thị Kính lúc này nước mắt cũng giàn giụa hết trên mặt, cố gắng mà nói lời phân trần cho mình:
– Mẹ, mẹ ngẫm thử lại xem, con làm gì có thù oán gì với nhà mình thì làm sao có thể làm chuyện đó được. Chỉ vì con muốn chồng mình được đẹp mặt nên mới…
Chẳng để nàng nói hết câu, mẹ Thiện Sĩ đã phăm phăm chặn họng nàng:
– Rõ rành rành là mày có tâm muốn giết chồng, đã bị bắt tận tay day tận trán, chứng cớ rõ ràng như vậy mà vẫn còn leo lẻo chối cãi.
Vốn mẹ của Thiện Sĩ cũng chẳng ưa gì Thị Kinh làm dâu mình, vì vậy nên một mực mà đổ riết cho nàng tội này.
Thấy mình dù có giãi bày như thế nào cũng chẳng thể làm cho ai tin tưởng, chẳng biết làm gì hơn, nàng sụp xuống dưới đất, ôm mặt mà khóc nức nở không thôi.
Chuyện cứ như vậy từ bé xé thành to. Sau cùng thì nhà họ Sùng cũng không muốn cho con cháu mình sau này mang giống nòi độc ác nên đuổi Thị Kính trở về với nhà cha mẹ đẻ của nàng.
Buồn chán bởi vì số phận quá éo le của bản thân, vào một ngày nọ, nhân lúc trời tối đen, Thị Kính bèn cải trang cho mình trở thành một người đàn ông, khăn gói rồi bỏ nhà ra đi. Và nàng cứ đi và đi mãi, nàng cố tìm cho mình một nơi trú ngụ thật xa nơi xóm làng, quê hương, mong xóa đi tất cả những hồi ức thương tâm, đau xót đã xảy ra tại nơi này.
Nàng đi thật xa, đến tận tỉnh khác, nơi này có ngôi chùa Vân, Thị Kính liền khăn gói đến xin được cạo đầu và quy Phật. Bởi vì nàng cải trang nên sư cụ không biết nàng là phận nữ nhi, thấy nàng một lòng muốn quy y hướng Phật nên cũng nhận nàng làm tiểu trong chùa, rồi đặt hiệu cho nàng là Kính Tâm. Bởi vì sự đời cũng đã tắt lửa ở trong lòng nên kể từ ngày xuống tóc đi tu, nàng liền chuyên tâm để mà làm bạn cùng kinh kệ.



Tuy nhiên, nàng ở lại chùa Vân tu hành chưa được lâu thì lại có chuyện không hay xảy đến. Mặc dù đã khoác trên người bộ nâu sồng thì vẻ mặt của chú tiểu mới này vẫn khiến cho không biết bao nhiêu trái tim thiếu nữ ở gần đây phải thổn thức đêm ngày.
Ở làng lúc bấy giờ có con gái của phú ông tên là Thị Mầu, mấy ngày theo mẹ tới chùa Vân lễ Phật thì trông thấy chú tiểu Kính Tâm liền đem lòng thầm thương trộm nhớ. Cũng đã vài ba phen tỏ tình nhưng đều bị khước từ, nhưng càng như vậy thì Thị Mầu lại càng thêm say mê, lúc nào cũng tìm cách để mà quyến rũ chú tiểu.
Tuy là vậy nhưng Thị Mầu vẫn quen thói lẳng lơ, đi quyến rũ hết người này đến người khác, mặc dù cá đã cắn câu không ít nhưng trong lòng vẫn chẳng quên được chú tiểu Kính Tâm ở chùa kia.
Ở nhà Thị Mầu có tư thông cùng với một đầy tớ nam, đi lại nhiều lần thì ngoài ý muốn bụng lại càng ngày càng lớn hơn. Khi bị làng đem ra phạt vạ, Thị Mầu thầm nghĩ trong bụng nếu như mình thú thật mọi chuyện thì lại chẳng ra sao cả, bởi vậy nên mới đổ riệt mọi chuyện cho chú tiểu Kính Tâm ở chùa Vân. Thị Mầu một mực nói như vậy nên làng cũng đến chùa đem chú tiểu Kính Tâm tới để tra khảo.
Dù cho bị làng đánh đến tơi tả thì nàng vẫn một mực không chịu nhận, nhưng cũng chẳng dám lộ ra chuyện mình là phận nữ nhi. Sư cụ ở chùa Vân trông thấy chú tiểu bị đánh đòn đau như vậy thì cũng thương tình, bèn kêu xin làng cho mình nộp vạ để bảo lãnh chú tiểu về.
Tuy nhiên sư cụ cũng ngại miệng lưỡi thế gian mỉa mai, làm ô danh nơi thiền môn, vì vậy liền bắt chú tiểu phải dựng một cái lều ở ngay cổng chùa để cư ngụ ngoài đó. Nàng vẫn cam tâm tình nguyện nhận mọi sự hành hạ, cắn chặt răng không nói lấy một lời than thở, van xin nào.
Không lâu sau đó thì Thị Mầu sinh một đứa bé trai. Vì lỡ đổ cho chú tiểu Kính Tâm rồi nên nàng đành làm liều, đem đứa trẻ tới bỏ ngay trước cổng tam quan. Việc này lại càng khiến cho Kính Tâm thêm bối rối. Nếu như nàng nhận đứa bé này thì có khác nào là nàng thú nhận mọi tội lỗi, nhưng nếu như mà không nhận, nàng cũng không đành lòng mà làm ngơ đứa bé sơ sinh vô tội kia. Tuy nhiên khi nàng nghe được những tiếng khóc oe oe trẻ nhỏ ấy, nàng hoàn toàn quẳng hết mọi ngại ngần. Nàng lập tức đem bế đứa bé trở về lều của mình và chăm nom.
Kể từ ngày đó thì công việc mới này đã choán hết toàn bộ thời gian cũng như tâm trí nàng. Hằng ngày nàng đều phải bế theo đứa bé đi hết đầu làng lại cuối xóm để mà xin sữa. Mặc cho tất cả mọi người đều chê cười nàng đến rát hết cả mặt thì nàng vẫn chịu đựng âm thầm, tuyệt không nói một lời than oán nào cả. Cứ như vậy, thời gian trôi đi cũng được sáu năm ròng, nàng vẫn chăm nom cho con của người như là con đẻ của mình. Nhìn đứa trẻ sơ sinh ngày nào ngày một lớn khôn, trái lại sức khỏe của nàng lại ngày càng kiệt quệ, mỏi mòn.
Vào một ngày, khi biết bản thân chẳng thể nào sống lâu hơn được nữa, Kính Tâm lập tức viết lấy một bức thư cho cha mẹ đẻ của mình. Trong bức thư ấy nàng kể lại toàn bộ nỗi nhẫn nhục của mình bấy lâu nay. Nàng dặn đứa bé đợi sau khi mình đã chết, thì nhớ phải giao lại phong thư này cho sư cụ ở chùa Vân.
Trong lúc khâm niệm, mọi người ai cũng ngạc nhiên khi phát hiện ra chú tiểu Kính Tâm lại chính là một người đàn bà. Lúc này thì ai cũng nhận ra được sự chịu đựng trong suốt bao năm qua của nàng đúng là khổ cực tận cùng.
Vì để bày tỏ sự hối hận của mình cùng mọi người, sư cụ ở chùa Vân liền cho lập đàn chay để cầu nguyện cho nàng siêu sinh và tịnh độ. Đồng thời, làng còn phạt Thị Mầu để tang, chi trả mọi chi phí để lo ma chay cho nàng.
Ngày đàn chay được cử hành, ở trên bầu trời, ngay giữa đám mây ngũ sắc thì Đức Phật Thiên Tôn liền hiện ra và phán cho sư Kính Tâm được trở thành Phật Bà Quan Âm.
Đến ngày nay, khi có những mối oan uổng lớn thì người ta quen gọi là “oan Thị Kính”, chính là bởi vì từ câu chuyện này.
Previous Post Next Post