Chỉ số vượt khó AQ - P2: Tuyệt vọng và Được trao sức mạnh

Nguồn: sưu tầm

Entry trước có đề cập tới vai trò của khả năng vượt khó đối với mỗi chúng ta. Không phải IQ hay EQ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công mà là khả năng vượt khó. Khả năng vượt khó là việc dám đương đầu với khó khăn và tìm cách vượt qua nó thay vì cố né tránh nó hoặc sớm đầu hàng trước nó.
Có 3 nhóm người là Nhóm bỏ cuộc, Nhóm cắm trại và Nhóm leo núi. Trong ngắn hạn, chúng ta có đặc điểm của cả 3 nhóm người, đôi lúc chúng ta mệt mỏi muốn nghỉ ngơi, đôi lúc muốn bỏ cuộc leo khỏi lưng hổ, đôi lúc ta lại hừng hực khí thế có thể vượt qua mọi thử thách. Trong dài hạn, chúng ta thuộc về một trong 3 nhóm người này. Mục đích của loạt entry này là để bạn nhận thức được mình đang ở đâu, ý nghĩa của khả năng vượt khó và làm sao để gia tăng khả năng vượt khó.
5. Bất lực do kinh nghiệm
Điều gì khiến chúng ta không muốn cố gắng vượt qua một khó khăn nào đó? Nguyên nhân vì ta thấy rằng “không thể vượt qua được cho dù có cố gắng”; ta cảm thấy vô vọng, chẳng có tí hy vọng nào để có thể vượt qua vì vậy ta không cố gắng để vượt.
Nhìn hình ảnh người đàn ông leo núi phía trên, cả bạn và tôi chắc chắn đều không dám leo lên vì chắc chắn rằng mình không thể leo được cho dù có cố gắng tới mấy. Tôi và bạn sẽ bỏ cuộc nếu như phải leo ngọn núi đó.
Bạn đang trên một chuyến bay, bỗng nhiên phi công bị đột quỵ và rất cần người thay thế anh ta. Bạn có dám thay thế anh ta không? Chắc chắn là không vì bạn không hề biết tí gì về lái máy bay; bạn tin chắc rằng mình không thể lái được cho dù có sách hướng dẫn sử dụng bên cạnh. Nhưng nếu cái máy bay đó là xe máy thì sao? bạn sẽ lái vì tin chắc rằng mình có thể làm được.
Đứng trước một khó khăn, nếu con người cảm thấy rằng việc vượt qua là vô vọng thì anh ta sẽ đầu hàng. Người Bỏ cuộc sở dĩ không leo núi không phải vì anh ta không nhìn thấy lợi ích khi leo núi mà vì anh ta cho rằng mình không thể leo núi. Trong quá khứ anh ta cũng đã từng là người leo núi nhưng cứ leo lên lại bị trượt xuống, dần dần anh ta cho rằng mình không có khả năng leo núi vì vậy không còn muốn cố gắng nữa. Anh gia nhập vào đội quân bỏ cuộc với suy nghĩ chắc chắn rằng mình không có khả năng. Nếu ai đó khuyên anh ta nên leo núi thì anh ta sẽ bịa ra nhiều lý do để khỏi phải nói thẳng ra là anh ta không thể leo núi.


Ta là người leo núi trong một số thứ vì ta cảm thấy mình “có thể nỗ lực đạt được”. Ta dừng lại cắm trại cho dù đó có là chân núi hay lưng chừng núi trước một số thứ khác vì chúng ta cảm thấy bất lực không thể đi tiếp. Tồn tại trong mỗi chúng ta có cả 3 loại người Đầu hàng, Cắm trại và Leo núi; điểm khác biệt ở tầm quan trọng của thử thách. Bạn chẳng có vấn đề gì lắm nếu không thể vượt qua khó khăn ăn rau diếp cá; nhưng sẽ là vấn đề lớn nếu không vượt qua khó khăn trong giao tiếp với người khác khi công việc đòi hỏi.
Cụm từ “Tôi có thể” vì vậy rất quan trọng, nó có thể biến bạn từ người Bỏ cuộc trở thành người leo núi. Lúc còn nhỏ chúng ta không được phép đưa ra ý kiến, phải thực hiện theo những điều bố mẹ và thầy cô muốn cho dù có thấy bất hợp lý hay không. Dần dần sinh ra trong đầu ta một cảm giác “khuất phục”, không dám đưa ra ý kiến riêng, không dám nghĩ tới một ý kiến khác. Trong đầu chúng ta hình thành nhận thức “Không có ích gì đâu, ta phải nghe theo người khác”
6.Nguyên nhân của việc cắm trại
Đang leo núi bạn phải dừng lại cắm trại vì trời mưa với dự định khi trời mưa ngừng mình sẽ lại leo núi. Lý do cho sự dừng lại là trời mưa, mà trời mưa chỉ mang tính tạm thời thôi. Bạn cắm trại trước khó khăn này để dành nguồn lực để vượt qua khó khăn khác với niềm tin rằng khi ngoại cảnh thay đổi mình sẽ lại vượt qua khó khăn đó.
Một người leo núi khác, anh ta dừng lại cắm trại vì thấy thể lực của mình không thể cố hơn được nữa. Núi quá cao, không thể vượt qua, nguyên nhân xuất phát từ bên trong này mang tính bền vững không thể thay đổi theo thời gian. Người cắm trại dừng lại cắm trại mãi mãi và không bao giờ có ý định vượt qua khó khăn đó nữa.
Một người tư duy tích cực khi thất bại anh ta thường cho đó là thất bại tạm thời trong khi một người tư duy tiêu cực lại cho rằng có cố lần nữa cũng thất bại, thất bại này mang tính lâu dài. Suy nghĩ tích cực cũng là thói quen thứ 3 trong 4 thói quen của người thành đạt.
Tuy nhiên khi con người ta cắm trại quá lâu thì ham muốn leo núi có thể bị phai mờ cùng với việc mai một kỹ năng leo núi. Đến khi trời tạnh thì anh ta sẽ chần chờ và có khi lại tìm ra một lý do bên ngoài hợp lý khác để trì hoãn việc khởi hành.
Cảm giác này cũng mang tính lan tỏa; khi một người cho rằng thất bại một việc gì đó là do mình thì anh ta cũng có cảm giác tương tự với các lĩnh vực còn lại. Một người cảm bất lực trong công việc cũng bất lực trong cuộc sống gia đình và trong đời sống cá nhân. Cảm giác bất lực mang tính lan tỏa mọi lĩnh vực, nó như con virus len lỏi vào đầu óc chỉ luôn cố gắng chứng minh rằng bạn vô dụng.
Khi bạn dạy con mình hay góp ý cho đồng nghiệp, bạn phải tránh đả kích vào con người anh ta (mang tính lâu dài) mà chỉ góp ý cho công việc cụ thể (mang tính tạm thời). “Anh đúng là không thể thuyết trình” và “Bài thuyết trình lần này của anh không được tốt lắm”. “Mày đúng là đồ ngu bền vững” và “Lần sau chú ý hơn nhé”. “Mày có chăm học hơn cũng chẳng thể giỏi hơn” và “Nếu con chăm học hơn thì con sẽ có kết quả tốt hơn”. “Anh đúng là bản tính lười biếng” và “Anh nhớ làm việc kia nhé”.
Bố mẹ nên tạo dựng niềm tin trong con cái rằng nó có thể làm được mọi thứ nếu cố gắng. Trẻ con sẽ tin rằng chúng có năng lực; khi gặp khó khăn nó tin rằng khó khăn đó chỉ là tạm thời để vẫn cố gắng. Ngay từ khi trẻ còn bé bạn phải chú ý tạo ra các khó khắn, những thứ ngoài ý muốn của đứa trẻ để nó học cách chấp nhận khó khăn. Nếu nó đòi gì bạn đáp ứng cái đó thì nó sẽ không được rèn luyện khả năng chấp nhận khó khăn.
7. Được trao sức mạnh
Ngược lại với sự tuyệt vọng là cảm giác được trao sức mạnh có thể làm được mọi thứ. Trong cuộc đời bạn chắc chắn bạn đã từng trải qua cảm giác này, cảm giác mình làm chủ được tình thế, mình có thể vượt qua khó khăn. Cùng một khó khăn nhưng lúc trước bạn thấy chán nảy, nhưng cũng là bạn vài năm sau đó thì lại cảm thấy đầy sức mạnh để vượt qua.
Hãy nghĩ khi nào bạn có cảm giác này? Tôi nghĩ rằng khi mà bạn thấy mình đang bất bại ở một lĩnh vực nào đó. Giống như sự tuyệt vọng, niềm tin cũng có thể lan tỏa từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Khi bạn tự tin trong công việc thì thường bạn cũng thấy làm chủ được các khó khăn trong gia đình và trong cuộc sống cá nhân.
Cấp độ cao hơn là khi bạn cảm thấy đam mê một cái gì đó, đó có thể là một môn thể thao, một mô hình kinh doanh nhỏ, một công việc cụ thể nào đó. Lúc đó bạn có thể chấp nhận hy sinh ở các lĩnh vực khác để tập trung nguồn lực vượt qua khó khăn của lĩnh vực bạn đam mê.
Giống như đam mê leo núi, một người leo núi giỏi sẽ cảm giác cực kỳ thích thú khi đứng trước một ngọn núi cao. Anh ta biết chắc rằng mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng khó khăn đó chỉ kích thích sự hứng thú của anh ta. Ngược lại một người không đam mê leo núi mà bị bắt buộc phải leo núi thì chưa leo đã cảm thấy mệt mỏi, trên đường đi anh chỉ tìm kiếm các lý do hợp lý để không phải đi tiếp.
Khó khăn nhất là điểm bắt đầu, khi bắt đầu vượt qua khó khăn rồi thì bạn sẽ bắt đầu có cảm hứng từ những việc đã làm được.
Bạn thấy rất rõ cảm giác “Vô vọng, tuyệt vọng, mất niềm tin” và cảm giác “Đầy sức mạnh, hy vọng tràn trề, tự tin” bản chất chỉ là ý nghĩ mà không phải thực sự là khả năng thực của bạn. Chỉ cần thay đổi cách nghĩ, bạn sẽ thay đổi được kết quả; những tấm gương vượt khó rất nhiều, họ vượt được chỉ vì họ không nghĩ giống những người cùng hoàn cảnh như họ. Một người vượt qua nghịch cảnh luôn tạo ra sự xúc động lớn lao, là niềm cảm hứng cho những người xung quanh. Họ không phải chỉ có trên sách vở, họ tồn tại quanh chúng ta, chỉ cần bạn để ý.
Thí nghiệm về một người leo núi trở thành người bỏ cuộc:
Có 2 nhóm người được phân vào 2 phòng kín. Ở phòng thứ nhất nhạc được bật ầm ỹ gây khó chịu, có một bảng điều khiển trong phòng và người ta bảo những người thí nghiệm rằng có thẻ tắt nhạc đi bằng bảng điều khiển này nhưng thực tế bảng này vô dụng. Ở phòng thứ hai cũng tương tự nhưng bảng điều khiển có tác dụng, có thể tắt nhạc bằng một tổ hợp nút nào đó.
Nhóm thứ nhất ban đầu rất nỗ lực để tắt nhạc nhưng dần nhận ra rằng Bảng điều khiển này không có tác dụng. Họ chấp nhận ngồi chịu đựng và không tìm cách tắt nhạc nữa. Nhóm thứ hai sau một hồi thử nghiệm cũng tắt được nhạc.
Ở lần thí nghiệm thứ hai, hai nhóm cũng được đưa vào 2 phòng có bảng điều khiển đều có tác dụng. Người ở nhóm 1 không buồn chạm tới bảng điều khiển, chỉ ngồi chịu đựng. Người ở nhóm thứ hai thì tìm cách tắt nhạc bằng bảng điều khiển. Như vậy, nhóm người thứ nhất đứng trước khả năng có thể thực hiện nhưng trong đầu họ đã có nhận thức “Không thể nào tắt được nhạc, mọi sự tìm cách tắt là vô nghĩa”. Vì nhận thức như vậy nên họ ngồi im chịu đựng và không hề cố gắng thử tắt. Người nhóm thứ 2 thì ngược lại, họ có nhận thức “Có thể thực hiện” nên họ tìm cách tắt đi. Nếu nhóm thứ hai liên tiếp các lần thí nghiệm sau ở trong phòng Bảng điều khiển không tác dụng thì họ cũng sẽ có nhận thức và hành động như nhóm thứ 1. Đó là lý do cho tên gọi “Tuyệt vọng do kinh nghiệm”; những kinh nghiệm trải qua trong quá khứ định hình nên con người bạn về cái gì có thể và cái gì không thể.
Nhưng trong hai nhóm này vẫn có một số người luôn cố gắng tìm cách tắt nhạc cho dù họ có trải nghiệm “Bảng điều khiển vô tác dụng” bao nhiêu lần đi nữa. Họ thực sự là người leo núi cho dù có thất bại n lần.
Trong cuộc sống, có những người thực sự không bao giờ đầu hàng mặc dù khó khăn đến với họ liên miên bất tuyệt. Có những người đầu hàng ngay lập tức cho dù chưa hề có trải nghiệm quá khứ, họ sinh ra đã là mang bản năng cắm trại.


Previous Post Next Post