5 ảo tưởng nghiêm trọng mà bất kỳ người khởi nghiệp nào cũng cần tránh

Một người lãnh đạo luôn suy nghĩ thấu đáo, mạch lạc là điều rất quan trọng trong một startup - nơi mà những quan điểm, suy nghĩ thiếu chín chắn, vội vàng có thể dẫn đến những sai lầm về chiến lược rất nghiêm trọng. Trong cuốn sách The Art of Thinking Clearly(Nghệ thuật suy nghĩ mạch lạc - Harper, 2013), tác giả, doanh nhân Rolf Dobelliđã chia sẻ rằng, ông đã tổng hợp được 99 sai lầm phổ biến mà chúng ta cần biết để ngăn chặn. Dưới đây là 5 trong số hàng loạt vấn đề có liên quan trực tiếp đến các doanh nhân khởi nghiệp.

1. Ngụy biện chi phí chìm (Sunk cost Fallacay): Chúng ta đầu tư quá nhiều nên chúng ta buộc phải tiếp tục

"Trong kinh tế học, chi phí chìm (Suck cost) là những khoản đầu tư bỏ ra và không thể thu hồi lại. Chẳng hạn, một công ty đầu tư 1 triệu USD vào một công nghệ mới nhưng không có kết quả. Số tiền 1 triệu USD đã bỏ ra là một khoản chi phí chìm và không thể lấy lại. Tuy nhiên, công ty vẫn quyết định không để các dự án đầu tư trong tương lai bị ảnh hưởng bởi sự mất mát đó.
Một ví dụ khác, bạn đã mua một tấm vé xem phim mà đến gần sát ngày chiếu, bạn bỗng bị ốm. Dù vậy, bạn vẫn quyết định đi vì tiếc tiền mua vé. Lúc này, bạn trở thành nạn nhân của cái gọi là "ngụy biện chi phí chìm": Đi hay không, bạn vẫn mất tiền. Nhưng nếu đi ra ngoài, bạn sẽ được xem phim nhưng có thể bị ốm nặng hơn. Rõ ràng, bạn lại tốn thêm chi phí thuốc thang so với chấp nhận ở nhà và chỉ mất tiền mua vé."
Ngụy biện chi phí chìm nghĩa là vì đã bỏ ra quá nhiều nên chúng ta vẫn phải tiếp tục cho dù biết nhiều khả năng sẽ thất bại. Đó chính là cái lý để chúng ta không thể từ bỏ.
Bạn đã bỏ ra một số vốn lớn, cộng với đó hàng tháng, thậm chí hàng năm trời nỗ lực cho một kế hoạch marketing vô nghĩa. Nhân viên của bạn phân vân liệu rằng có tồn tại "ánh sáng cuối đường hầm", và, một cách thẳng thắn, bạn cũng có cùng lo lắng như vậy. Vấn đề ở chỗ bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoại trừ tiếp tục bám theo kế hoạch bởi vì tất cả tiền bạc, thời gian và công sức đã đổ vào đó. Chưa kể rằng, bạn cũng không muốn mất thể diện.
Chính suy nghĩ này đã khiến bạn trở thành nạn nhân của "ngụy biện chi phí chìm". "Toa thuốc" mà Dobelli kê cho chúng ta như sau: Hãy quên đi quá khứ và tiến về phía trước, hay chính xác hơn, hãy quên đi những gì bạn đã đầu tư và đối mặt với sự thật. Hãy tự hỏi mình nếu có nhiều nguồn lực và thời gian hơn thì liệu có mang lại kết quả tốt đẹp không? Nếu không, hãy cắt lỗ và quay trở về tập trung vào chiến lược hoặc dự án khác.

2. Sự thiên vị dựa trên thuyết so sánh xã hội (Social-comparison bias): Anh ấy giỏi, anh ấy sẽ khiến chúng ta trở nên kém cỏi hơn

"Thuyết so sánh xã hội được hiểu đó việc chúng ta liên tục đưa ra những đánh giá về bản thân và cuộc sống của mình bằng cách so sánh bản thân chúng ta với những người khác. Vì vậy, mỗi người thường cảm thấy hơi ghen tỵ khi thực hiện các so sánh đi lên (thấy người khác giỏi hơn mình ở lĩnh vực mình đánh giá cao) và cảm thấy mình tốt hơn khi so sánh đi xuống (thấy người khác kém hơn mình ở lĩnh vực mình đánh giá cao). Chẳng hạn, sống gần hoặc tiếp xúc với người giàu, bạn thấy mình thiếu thốn; sống gần hoặc tiếp xúc nhiều với người nghèo, bạn thấy mình thật may mắn."

Bạn quyết định không thuê một người trẻ tuổi để kiểm soát tất cả các chiến lược truyền thông quan trọng của mình. Tại sao ư? Bởi vì bạn sợ sẽ quá phụ thuộc vào họ. Đó cũng là điều mà rất nhiều công ty ở châu Á thường thiên về việc tạo cơ hội thăng tiến cho những người có thâm niên và trung thành thay vì trọng dụng các nhân tài trẻ.

Ở đây, rõ ràng đã tồn tại sự thiên vị dựa trên lý thuyết so sánh xã hội, đó là đánh giá con người không dựa trên những giá trị riêng của họ, thay vào đó lại dựa vào cách mà họ xuất hiện trước người khác, kể cả sếp cũng vậy. Chính vì thế, bạn quay lưng lại với các nhân viên tiềm năng. Đây thực sự là một ý tưởng rất tồi tệ.
Dobelli mượn lời khuyên của các nhà đầu tư mạo hiểm và cựu giám đốc sáng tạo của Apple Guy KawazakiNhững người tham gia "trò chơi" khởi nghiệp hạng A sẽ tuyển dụng những người tốt hơn chính họ, trong khi, hạng B sẽ tuyển những người thấp hơn để cảm thấy mình giỏi hơn và cứ tiếp tục theo mô hình như vậy. Thuê những nhân viên hạng B và cuối cùng, bạn có thể "giương oai" với nhân viên hạng Z - đây chính là điều mà Steve Jobs gọi là hiện tượng "Bozo Explosion". Cụ thể, khi công ty đang trên đà làm ăn phát đạt và bỗng nhiên Z xuất hiện thì từ đỉnh thành công, doanh nghiệp của bạn sẽ lao dốc không phanh. Lúc này, "bóng ma" của Bozo bắt đầu xuất hiện, báo trước một sự suy giảm không thể tránh khỏi trong quá trình ra quyết định, chất lượng sản phẩm, thiết kế, chăm sóc khách hàng và giải pháp lúc này là "thay máu" đội ngũ nhân sự của bạn - điều mà không thể thực hiện trong thời gian ngắn.
Thay vì như vậy, hãy tìm kiếm những con người đầy triển vọng, có thể hỗ trợ cho bạn một cách tốt nhất. Nếu họ có thể làm tốt hơn bạn thì đó là phần thưởng thêm không chỉ dành cho bạn mà còn cho cả start-up và chiến lược tuyển dụng của doanh nghiệp.

3. Không có khả năng "đóng cửa": Luôn mở cửa cho tất cả các lựa chọn

Cho dù bạn đặt hàng chục cuốn sách bên cạnh giường để đọc khi có thời gian hoặc cân nhắc vô số lựa chọn mở rộng ra tất cả các phân khúc khách hàng, Dobelli nói rằng việc chào đón các lựa chọn và không có bất cứ một quyết định chín chắn nào cuối cùng sẽ dẫn tới tốn thời gian, tiền bạc và thất bại.
Một chiến lược kinh doanh, ông nhấn mạnh, đó "chủ yếu là lời tuyên bố về những gì không tham gia". Do đó, hãy đưa ra các quyết định có tính toán để bỏ qua những khả năng nhất định và "đặt tất cả các quả trứng vào những chiếc giỏ tốt nhất". Dobelli cũng liên tưởng đến Xu Xiang - Giám đốc quỹ đầu tư Zexi Investment và nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Cortes - người đã đốt cháy tàu của mình sau khi đặt chân lên lãnh thổ của kẻ thù. Tại sao? Bởi vì đội quân của ông sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiến về phía trước.
"Hernán Cortes là một nhà thám hiểm nổi tiếng người Tây Ban Nha. Vào năm 1519, ông đã chỉ huy một đoàn gồm 11 con tàu với hơn 150 thủy thủ từ Cuba tới bán đảo Yucatan với mục tiêu lấy được kho báu được cho là lớn nhất thế giới thời bấy giờ.
Khi đi được nửa hành trình, nhiều thủy thủ đã bắt đầu quay sang than vãn vì mệt mỏi và có người còn hối hận là đã tham gia. Cortes thật sự đau đầu và khi đoàn tàu của họ đặt chân lên đến đảo Yucatan, trước khi chiến đấu với đội quân canh giữ kho báu, ông đã nói với đoàn thủy thủ của mình: "Hãy đốt hết toàn bộ thuyền của chúng ta đi".
Cả thủy thủ đoàn hoang mang và lo lắng hỏi nếu đốt thuyền thì chắc chắn sẽ chết vì không có phương tiện để trở về. Cortes với vẻ mặt vô cùng tự tin trả lời: "Vì chúng ta nhất định sẽ chiến thắng, sẽ chiếm được kho báu và chúng ta sẽ trở về trên những con thuyền của kẻ thù".
Lời nói của Cortes như có sức mạnh lan truyền, thủy thủ đoàn hừng hực khí thế, họ hét lớn, cùng nhau nổi lửa đốt thuyền và lao vào chiến đấu với sức mạnh phi thường. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, lần đầu tiên sau 600 năm, kho báu đã bị chinh phục. Tại sao thủy thủ đoàn của Cortes làm được điều đó, bởi họ chỉ có 2 lựa chọn: một là giành lấy kho báu, hai là chết."

4. Thành kiến về kẻ sống sót (Survivorship bias): Chúng ta hãy nhìn vào những người thành công và quên đi thất bại

Thành kiến người sống sót ám chỉ rằng chúng ta thường tập trung vào những con người thành công mà quên đi luôn tồn tại những người thất bại. Chúng ta nghe quá nhiều về thành công, thấy rằng người không thành công không bao giờ viết sách, không bao giờ mở trung tâm huấn luyện khiến chúng ta ảo tưởng rằng mình cũng có thể thành công như họ. Chúng ta thực hiện các nghiên cứu với những lựa chọn tốt mà quên đi rằng luôn có các biến số đối nghịch.


Truyền thông hiện nay đầy rẫy các câu chuyện về thành công truyền cảm hứng để bạn bắt đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, Dobelli nhắc nhở rằng trong cuộc sống thực, thất bại nhiều hơn rất nhiều so với thành công. Đọc về những người chiến thắng mà không bao giờ để ý đến những người thất bại sẽ khiến chúng ta rơi vào thành kiến về kẻ sống sót - đánh giá quá cao những cơ hội khởi nghiệp chỉ dựa vào câu chuyện về một số doanh nhân trên đỉnh thành công mà không phải là những gương kinh doanh "đã chìm xuống đáy".
"Toa thuốc" của Dobelli: Chống lại khuynh hướng này bằng cách "thường xuyên tới thăm nghĩa trang của những dự án mới chớm nở đã tắt ngấm hay những tấm gương kinh doanh thất bại", thậm chí, bạn phải chủ động tìm hiểu về họ.

5. May mắn của người tiên phong: Không có gì có thể ngăn cản chúng ta bây giờ

Start-up của bạn đã vượt ngoài mong đợi và các sản phẩm hay ứng dụng của bạn trở thành chủ đề chính trong những cuộc thảo luận của mọi người. Nhà đầu tư bắt đầu rót vốn vào doanh nghiệp của bạn. Với tầm nhìn của các cơ hội liên doanh, nhượng quyền thương mại, thậm chí là mua lại, thế giới dường như ở rất gần. Bạn bắt đầu tin rằng số phận đang nằm trong bàn tay của mình, "vẽ" ra sự phát triển của công ty trong 10 năm nữa và hàng tỷ USD đang đổ ập vào bạn.
Tuy nhiên, Dobelli muốn thức tỉnh bạn với cụm từ rằng: "May mắn của người tiên phong". Điều này phổ biến với những khách hàng dùng thử sản phẩm hay thương hiệu mới và nhận được sự vui mừng ngoài mong đợi. Lợi thế đầu tiên này có thể tạo ra lợi nhuận rất lớn trong một thời gian nhưng những câu chuyện thành công liệu có phải lúc nào cũng vượt ra ngoài chương mở đầu?
Vậy làm thế nào để biết startup của bạn thành công là do "may mắn của người tiên phong" hay do năng lực nội tại? Câu trả lời đó chính là dựa vào khả năng vượt qua thách thức và cạnh tranh qua thời gian. Thế nên, thay vì vội vàng nghĩ về thành công trong dài hạn thì hãy xem xét một cách cẩn thận về những gì đã đạt được ở hiện tại, bối cảnh trong ngành, đánh giá chiến lược hành động trong quá khứ xem thử liệu chúng có còn phù hợp với tương lai. Tóm lại, bạn phải khao khát nhưng cũng cần cảnh giác.
(Nguồn: sưu tầm)

Previous Post Next Post